DỰ ÁN LUẬT PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA: LÀM SAO ĐỂ PHÙ HỢP THỰC TẾ?

26/12/2018

Với nhiều quy định chặt chẽ nhằm quản lý sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, quy định về an toàn thực phẩm đối vớ rượu bia…dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Về vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải lắng nghe ý kiến của nhân dân một cách công bằng, bình đẳng để phân tích lựa chọn một phương án nào đó hợp lý.

Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 đang tiếp tục lấy ý kiến, có nhiều quy định chặt chẽ về việc phòng, chống tác hại của rượu, bia và bước đầu đã được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ, song đi vào chi tiết cũng có một số điều khoản còn có ý kiến khác nhau hoặc không tán đồng với Dự thảo Luật. Đáng chú ý là việc cấp phép, quy hoạch đối với rượu, bia; các biện pháp cụ thể để kiểm soát rượu thủ công hay công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm đối với rượu, bia, quản lý việc sử dụng bia rượu theo khung giờ. Vấn đề đặt ra là quản lý đối với rượu bia  là tốt, nhưng quản lý như thế nào để vừa thu lợi cho đất nước từ hoạt động kinh doanh, phát triển các dịch vụ đi kèm vừa phải đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng? Hạn chế những hệ lụy từ sử dụng rượu bia quá nhiều là điều cần được cân nhắc kỹ hơn?

Cho ý kiến về dự thảo Luật, bày tỏ tán thành cao với sự ra đời của dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia song đại diện một công ty sản xuất kinh doanh bia, rượu, nước giải khát có quy mô hàng nghìn lao động, mỗi năm đóng 4.800 tỷ cho ngân sách nhà nước cũng hết sức lo lắng trước một số quy định của dự án luật đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt về tên gọi của dự án luật. Việc thay đổi tinh thần Làm Luật từ chỗ hạn chế lạm dụng sang kiểm soát cung cầu bia rượu mà Dự thảo Luật của Bộ y tế đưa ra đang hạn chế quyền kinh doanh của cơ sở. Chưa kể nỗi lo sẽ gây thất thu ngân sách mỗi năm 2000 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia- rượu- nước giải khát Hà Nội Habeco Bùi Trường Giang chia sẻ: “Chúng tôi không đồng tình với tên gọi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà chúng tôi muốn Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Việc đánh đồng giữa bia với rượu đặc biệt là rượu  do các cơ sở sản xuất thủ công dùng để bán là không công bằng đối với với sản phẩm của chúng tôi. Rõ ràng nhiều sản phẩm bia là thương hiệu quốc gia được người tiêu dùng yêu thích, tham gia xuất khẩu nộp ngân sách lớn”.

Không phủ nhận những đóng góp của ngành Rượu, bia về giải quyết lao động cũng như đóng góp cho nguồn ngân sách trong thời gian qua. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng: Theo tính toán của tổ chức y tế thế giới mà ở mức độ thấp nhất thì các chi phí để bỏ ra cho việc phòng chống tác hại của rượu bia trong đó có cả bệnh tật, tai nạn do rượu bia  chúng ta đã mất 65 nghìn tỷ . Như vậy rõ ràng là giữa cái lợi ích về kinh tế, lợi ích về sức khỏe chúng ta phải chọn, bản thân Luật không phải là cây đũa thần như 1 số đại biểu đã ví.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết: “Chúng ta có một phép so sánh thấy là vấn đề xây dựng Luật về phòng chống tác hại của rượu bia thì chúng ta phải đứng trên một quan điểm, có thể nói là quan điểm phát triển một cách bền vững. Tức là chúng ta dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Trong đó lợi ích sức khỏe phải đóng vai trò chủ đạo ….Có như vậy chúng ta mới có được nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước một cách bền vững"

Bên cạnh đó, về việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức, khuyến mại, tài trợ rượu bia… nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có ý kiến về tính khả thi. Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cho rằng: việc cấm quảng cáo trên 15 độ cồn thì điều này không phù hợp với Luật Quảng cáo và Luật thương mại.

Đặc biệt việc cấm bán rượu bia trên mạng internet cũng còn nhiều ý kiến khác nhau trong đó nguyên nhân chủ yếu cho rằng: Việt Nam đang hội nhập kinh tế, tham gia các hiệp định tự do và tiến bộ nhất, chưa kể điều này sẽ khiến ngân sách nhà nước thất thu một khoản từ việc cấm quảng cáo cũng như phải bố trí thêm nhân lực để thực hiện các quy định mới này.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang, cấm bán hàng như vậy mâu thuẫn Luật Thương mại. Thứ hai, trong điều kiện hội nhập hiện nay chúng ta đang tiến tới công nghệ 4.0 mà chúng ta hạn chế mua bán bia rượu qua internet thì cũng là vấn đề. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang đặt vấn đề, mua một chai rượu, một chai bia mà gọi điện họ mang đến nhà thì thuận tiện hơn so với việc phải ra tận cửa hàng, thế thì tại sao trong dự thảo Luật lại đặt vấn đề hạn chế.

Về các quy định mới nêu ra trong dự thảo Luật nhằm cấm sản xuất rượu thủ công, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Luật cần cân đối các điều kiện để quản lý hiệu quả hình thức sản xuất, kinh doanh này.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, việc quy định bán rượu, bia theo giờ cần tham khảo cách làm của một số nước trên thế giới đã ban hành quy định này vì nếu như dự thảo Luật vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch Việt Nam.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đã và đang tham gia các hiệp ước song phương, đa phương như CPTPP với sự đầu tư trong nước và nước ngoài ngày một tăng. Theo các chuyên gia, khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành rượu, bia trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để chính sách, pháp luật vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát, vừa thu hút đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, để những quy định của luật nhận được sự đồng thuận của các đối tượng điều chỉnh, cũng như các tính khả thi trong thực hiện các điều khoản thi hành, rất cần phải tiếp tục nghiên cứu công phu, đầy đủ, thực tế hơn, khoa học hơn, cân nhắc đầy đủ các lợi ích về sức khỏe, an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh, đóng góp mọi mặt cho kinh tế, văn hóa, đời sống.

Đây không phải lần đầu tiên phương án quản lý rượu bia được đưa ra. Tuy nhiên lần nào các đề xuất trong dự thảo cũng đều gặp phải những ý kiến trái chiều. Bên cạnh đó việc triển khai và thực hiện như thế nào lại là bài toán không hề đơn giản đối với cơ quan quản lý nhà nước. Vậy làm thế nào để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho có chất lượng cao, thiết thực, đầy đủ, thực tế hơn? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong những năm qua Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu của việc tiệu thụ rượu bia, đại biểu có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chiếm tỷ lệ này rất cao. Đây là điều rất đáng suy nghĩ và chúng ta cần phải có những giải pháp như thế nào đó mà không chỉ riêng với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà phải làm cuộc tuyên truyền vận động để làm chuyển biến nhận thức, để làm sao người dân Việt Nam sử dụng rượu bia có trách nhiệm.

Còn câu chuyện rượu bia còn là câu chuyện văn hóa và còn là truyền thống dân tộc. Chúng ta không thể bỏ được hoàn toàn rượu bia mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải sử dụng rượu bia như nào có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm với sức khỏe và trách nhiệm với xã hội, để làm cho xã hội thực hiện văn hóa uống rượu bia nhưng vẫn đảm bảo an toàn, đảm bảo văn minh và đảm bảo sự đoàn kết thống nhất của dân tộc. Chúng ta phải coi đây như là nhiệm vụ trọng tâm để tuyên truyền giải thích để làm chuyển biển nhận thức của người dân, làm sao đó để cho mọi người dân có trách nhiệm với việc sử dụng rượu bia trong cuộc sống.

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc cấp phép tiêu thụ rượu bia, biện pháp để kiển soát rượu thủ công? Vậy tại sao lại có những ý kiến trái chiều như vậy ạ?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Có ý kiến trái chiều là vấn đề đương nhiên, vấn đề sử dụng rượu bia là vấn đề gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, đã có nhiều địa phương đưa vào nghị quyết của cấp ủy về cấm uống rượu trong giờ làm việc, cấm uống rượu buổi trưa nhưng rõ ràng hiệu quả của các nghị quyết cá biệt ở các địa phương không đem lại hiệu quả một cách thiết thực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Có đến 70% các vụ tai nạn giao thông, thương tích khi tham gia giao thông đều xuất phát từ rượu bia. Nhiều vụ việc bạo lực gia đình cũng xuất phát từ rượu bia và vấn đề lộn xộn, phức tạp xã hội cũng xuất phát từ rượu bia. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà chúng ta phải nghiên cứu để có đạo luật làm sao để điều chỉnh đi đến thống nhất quyết tâm đồng thuận trong xã hội là điều khó khăn. Vấn đề quan trọng là làm sao để mọi người dân nhận thức thấy rằng việc có một đạo luật quy định để chúng ta điều chỉnh những hành vi quá lạm dụng rượu bia, quá lạm dụng dẫn đến tác hại. Đó là điều chúng ta phải nghiêm cấm. Không cấm anh uống ở mức bình thường nhưng cấm anh uống ở mức gây tai nạn cho người khác, gây tác hại đến sức khỏe của bản thân anh thì điều đó phải có đạo luật để điều chỉnh.

Và tôi nghĩ rằng, hiện nay khi chúng ta đưa dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia ra thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Những người sản xuất rượu bia mong muốn ngành sản xuất rượu bia phải tồn tại phát triển. Tôi đồng ý là ngành sản xuất rượu bia phải tồn tại phát triển nhưng dù sao đi nữa thì vẫn phải có nguyên tắc là phải đảm bảo lợi ích của 3 phía: đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất rượu bia; đảm bảo lợi ích cho người sử dụng và đảm bảo cho sự tăng trưởng phát triển của nền kinh tế.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia hiện nay vẫn còn đang gặp phải những ý kiến trái chiều. Một vài ý kiến cho rằng luật vẫn còn có những quy định chưa thật sự đúng và đủ với thực tế. Theo đại biểu tại sao lại có những ý kiến này?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Có ý kiến như vậy vì rõ ràng đây là dự thảo Luật đưa ra lần đầu và đây mới chủ yếu do cơ quan soạn thảo còn đang lấy ý kiến nhân dân để đưa vào và chúng ta còn đang còn cả quá trình dài. Điều quan trọng là chúng ta phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và lắng nghe một cách công bằng, bình đẳng lắng nghe của người sản xuất rượu bia, lắng nghe của các cơ sở kinh doanh tiêu thụ và buôn bán, lắng nghe ý kiến của những người sử dụng rượu bia và đặc biệt là nên lắng nghe ý kiến của những người bị tác hại bởi rượu bia khi anh sử dụng không đúng mực... Nếu chúng ta không lắng nghe một cách đầy đủ thì một là Luật sẽ không đi vào cuộc sống, hai là nó không có tác dụng và ba là nó không điều chỉnh được các hành vi mà lạm dụng rượu bia như hiện nay. Tôi cho rằng đây là vấn đề khó và cần phải có ý kiến nhiều chiều để chúng ta phân tích lựa chọn một phương án nào đó hợp lý.

Bản thân Ủy ban Về các vấn đề xã hội khi đi tham vấn ý kiến công chúng cũng thấy rằng, rõ ràng phòng chống tác hại của rượu bia là sự cần thiết khách quan và chúng ta cần phải chuẩn bị trước, đi trước đón đầu và người ta cũng mong muốn phải có lộ trình.

Phóng viên: Vậy để dự án Luật có chất lượng cao, thiết thực và đầy đủ hơn khi đưa vào thực tế, chúng ta cần phải chú ý đến những nội dung nào thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay Ủy ban Về các vấn đề xã hội đang tập hợp tất cả ý kiến phát biểu của tất cả các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và tiếp tục lấy ý kiến của toàn thể nhân dân tham vấn công chúng họp các chuyên gia lấy ý kiến của các nhà sản xuất kinh doanh rượu bia và lấy ý kiến của những người trực tiếp bị ảnh hưởng tác hại của rượu bia để chúng ta đi đến một cái xem xét đánh giá lựa chọn các chế tài, các quy định trong dự thảo Luật làm sao đi vào cuộc sống.

Ai cũng thừa nhận là rượu bia có tác hại nếu như anh uống quá liều lượng, uống quá mức và uống thiếu trách nhiệm... như tôi vẫn thường nói là uống rượu bia phải có trách nhiệm – có trách nhiệm với chính bản thân sức khỏe của anh sau đó là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm khi tham gia phương tiện giao thông.

Tôi cho rằng những điều lâu nay đã có quy định cấm trong luật khác như quy định đã điều khiển phương tiện giao thông là không được uống rượu bia. Vấn đề hiện nay là chúng ta phải cụ thể hóa các quy định có liên quan đến tác hại của rượu bia và chúng ta phải điều chỉnh tất cả các văn bản dưới luật và luật hóa lên thành một đạo luật để có tính quy phạm pháp luật cao hơn, tính nghiêm minh cao hơn để làm sao cả xã hội thực hiện một cách nghiêm túc để bảo đảm an toàn cho cuộc sống. Không nên vì những lý do này lý do khác mà chúng ta lại bỏ đi những quy định nhằm hạn chế việc lạm dụng rượu bia.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Bảo Yến - Thanh Hải