ĐBQH BÙI VĂN PHƯƠNG: NHIỀU HỆ LỤY TỪ VIỆC CHO HỌC SINH CHUYỂN CẤP, LÊN LỚP HIỆN NAY

14/12/2018

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề hệ lụy phía sau việc đánh giá học sinh, cho học sinh chuyển cấp và lớp như hiện nay. Ngày 22/08/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 3687/BGDĐT-VP trả lời chất vấn của đại biểu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn như sau:

Hàng năm có một tỷ lệ đáng kể học sinh lưu ban. Điều đó cho thấy hầu hết các cơ sở giáo dục phổ thông đang thực hiện nghiêm quy chế đánh giá học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên vẫn có một số cơ sở giáo dục quản lý chưa nghiêm, chạy theo thành tích, dễ dãi trong việc cho điểm, đánh giá học sinh, không phản ánh đúng thực chất lực học của học sinh. Việc này không bảo đảm công bằng trong đánh giá, không những làm mất động lực phấn đấu, rèn luyện của học sinh, gây ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục mà còn làm giảm uy tín của nhà trường. Trên thực tế đã có nhiều cha mẹ học sinh không muốn gửi con vào các trường có biểu hiện dễ dãi, cào bằng trong đánh giá học sinh.

Theo quan điểm giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, “không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào”, việc để học sinh phải “lưu ban” là hãn hữu. Thay vào đó, trong quá trình dạy học giáo viên phải quan tâm đến từng học sinh để giúp học sinh tiến bộ. Trường hợp học sinh không hoàn thành nội dung giáo dục nào của lớp học dưới sẽ được giúp đỡ trong hè để hoàn thành trước năm học tiếp theo, thậm chí là tiếp tục hoàn thành trong khi học lớp trên. Để thực hiện tốt điều đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo mạnh mẽ việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó tăng cường đánh giá trong quá trình dạy học vì sự tiến bộ của học sinh. Việc thực hiện Thông tư 30/2014/TT–BGDĐT ngày 28/08/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 về đánh giá học sinh tiểu học; các văn bản chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức đánh giá học sinh trung học theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông.

Để tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

- Chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của các cấp học phổ thông theo hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học, phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới; tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

- Thực hiện nghiêm quy định bàn giao chất lượng học sinh lên lớp.

- Áp dụng sổ điểm điện tử để nắm bắt được kết quả học tập thật của học sinh.

- Tăng cường chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thực hiện sai các quy định về đánh giá, xếp loại học sinh, để xảy ra hiện tượng chạy theo thành tích, dễ dãi trong việc cho điểm, đánh giá học sinh.

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Chưa hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, quan điểm giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, “không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào”  chỉ đúng một phần. Chúng ta không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào nhưng phải trên tinh thần học sinh đạt được yêu cầu trong quá trình giáo dục; đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, năng lực chứ không thể vì không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào” mà cứ thế cho các cháu lên lớp, chuyển cấp hết.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy, xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Tại kỳ họp thứ 5, tôi có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề: Lâu rồi trong giáo dục phổ thông không nghe thấy cụm từ “lưu ban”, nghĩa là học thế nào, rèn luyện thế nào cũng lên lớp và cũng tốt nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng nhìn nhận hệ lụy gì phía sau việc cho học sinh chuyển cấp và lớp như hiện nay? Nếu đúng, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?

Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 22/08/2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 3687 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời. Trong đó, Bộ cũng nhận thấy việc đánh giá học sinh và cho học sinh lên lớp một cách dễ dãi như hiện nay là biểu hiện của bệnh thành tích, hình thức và điều đó dẫn tới việc không phản ánh đúng thực chất lực học của học sinh. Hệ lụy của việc cho học sinh lên lớp và tốt nghiệp, không còn học sinh lưu ban làm cho học sinh thiếu ý thức trong rèn luyện, tu dưỡng; ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường và ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đến nhà trường. Đồng thời Bộ trưởng cũng nhận thấy những việc cho lên lớp một cách dễ dãi có tác động tiêu cực đến quá trình giáo dục đặc biệt trong vấn đề hình thành và giáo dục nhân cách cho học sinh.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại văn bản trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo có đưa ra quan điểm giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh, “không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào”, việc để học sinh phải “lưu ban” là hãn hữu. Vậy đại biểu có đồng tình với quan điểm này?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Tôi đồng tình một phần với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào nhưng phải trên tinh thần học sinh đạt được yêu cầu trong quá trình giáo dục; đảm bảo yêu cầu về phẩm chất, năng lực chứ không thể vì không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào mà cứ thế cho các cháu lên lớp, chuyển cấp hết. Việc cho học sinh lên lớp một cách dễ dãi như hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách và hình thành năng lực của học sinh. Phân tích dưới góc độ khoa học, chúng ta đều thấy 1 con người khi sinh ra, mặc dù cùng cha mẹ, cùng thầy cô giáo dạy nhưng có học sinh thành học sinh ngoan, giỏi, nhưng có học sinh lại không ngoan. Vì vậy, những trường hợp các cháu vi phạm chúng ta cứ đổi lỗi cho môi trường xã hội; gia đình, nhà trường chưa quan tâm nhưng chúng ta lại chưa nhìn thấy 1 nguyên nhân rất là chủ quan trong công tác giáo dục hiện nay. Đó là việc, chúng ta cho lên lớp hết thì đương nhiên ý thức học tập, ý thức rèn luyện, của các cháu học sinh sẽ bị xao nhãng, mất động lực phấn đấu. Bởi vậy, tôi cho rằng quan niệm “không bỏ rơi bất kỳ học sinh nào” chỉ đúng một phần. Với tinh thần như vậy, cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, phải tôn trọng sự thật. Ngày xưa chúng tôi đi học lớp lưu ban nhiều, thậm chí thi tốt nghiệp chỉ 30% nhưng phải chấp nhận vì đây là quy luật của sự vận động. Từ thầy giáo, cô giáo đến các em học sinh đều phải cố gắng rèn luyện, tu dưỡng để đạt kết quả chứ cứ dễ dãi cho lên lớp như hiện nay sẽ không tạo động lực phấn đấu. Mặt khác, không nên lấy cái cá biệt để ngụy biện cho 1 cách làm không phù hợp với khoa học. Không thể vì một vài trường hợp hi hữu (các cháu buồn, tử tự vì điểm kém, không được lên lớp) mà đưa ra chính sách ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh. Do đó, tôi chỉ đồng tình một phần, chứ không đồng tình toàn bộ phần trả lời của Bộ trưởng.

Phóng viên: Để tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 04 giải pháp. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về các giải pháp này?

Đại biểu Bùi Văn Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Với những  giải pháp Bộ trưởng đưa ra tại văn bản trả lời, tôi hoàn toàn đồng tình nhưng điều tôi quan tâm là vấn đề tổ chức thực hiện. Bởi thực tiễn cho thấy, giải pháp đưa ra mặc dù hợp lý nhưng quá trình triển khai kết quả lại không được như mong muốn. Nếu những người được giao tổ chức, thực hiện chưa thoát ly được tư tưởng cũ; vẫn còn tư duy, nhận thức cũ thì sẽ vướng mắc trong triển khai. Tuy nhiên, tôi cho rằng với tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ giáo dục có lẽ chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề và quyết tâm thực hiện. Những kinh nghiệm giáo dục quý báu từ thời xưa cũng cần phải được kế thừa, phát huy; không phải cứ đổi mới là phải làm khác đi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh