Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Ngày 26/09/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 4442/BGDĐT-VP trả lời chất vấn của đại biểu.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, cụ thể như:
Tăng cường chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh và xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; chỉ đạo có hiệu quả Quyết định số 1501/QĐ-Ttg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020;.....
Chỉ đạo biên soạn, thẩm định và phê duyệt tài liệu thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 để đưa vào sử dụng từ năm học 2016-2017 và tài liệu cho giáo viên về tích hợp lồng ghép giáo dục kỹ năng sống trong các môn học chính khóa sử dụng từ năm học 2014-2015.
Phối hợp với Báo Nhi đồng chỉ đạo thí điểm hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại một số trường tiểu học. Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện tốt chiến dịch Thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi hàng năm;....
Tuy nhiên, công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm, chú trọng, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do: Người đứng đầu một số cơ sở giáo dục chưa quan tâm, coi trọng đúng mức; đội ngũ giáo viên chưa dược đào tạo phương pháp giáo dục kỹ năng sống bài bản, chuyên sâu; tài liệu, giáo trình còn hạn chế;.... dẫn đến chưa thực sự đáp ứng yêu cầu giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Nghiên cứu ban hành quy định phát triển công tác giáo dục kỹ năng sống trong các trường học; tiếp tục chỉ đạo tổ chức các loại hình câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao, .... trong các nhà trường; quy định cụ thể thời gian tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập, rèn luyện tại nhà trường.
Đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm vào trong chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới thành môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc chính khóa trong các nhà trường phổ thông.
Đổi mới chương trình giảng dạy trong các trường sư phạm. Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường triển khai giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động phong trao thanh niên và hoạt động ngoại khóa; Chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ chức triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống cho hoạt động ngoài giờ chính khóa theo chuyên đề, nhóm vấn đề và các hoạt động trải nghiệm.
Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc hơn về những nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như những tồn tại, hạn chế để từ đó có thể đưa ra được những giải pháp căn cơ cho việc dạy và học kỹ năng sống thiết thực và khả thi hơn.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các cấp. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu chất vấn tập trung vào khía cạnh nào?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV với nội dung đề nghị Bộ trưởng cho biết về giải pháp hữu hiệu nào để nâng cao kỹ năng sống, thực hành, giảm tải lý thuyết cho học sinh các cấp.
Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào lại được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về nội dung trên?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Từ thực trạng có việc học sinh bị xâm hại, bị bạo lực học đường ở hầu hết các cấp; rồi tình trạng học sinh bị chết đuối, đuối nước;... thự trạng này đã ảnh hưởng, xâm hại trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe và ngay cả tính mạng của học sinh, gây bức xúc cho xã hội cũng như các bậc làm cha làm mẹ. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy kỹ năng về ứng xử giao tiếp; kỹ năng về làm việc nhóm; kỹ năng ứng phó một cách tích cực với các tình huống xảy ra trong xã hội của học sinh hiện nayvẫn còn những hạn chế. Từ thực tế này, cần phải có sự quan tâm, tăng cường trong giáo dục kỹ năng sống; thực hành cũng như những vấn đề liên quan đến kỹ năng sống cho học sinh các cấp. Mặt khác cũng phải nhìn nhận, kỹ năng sống là nội dung gắn liền với 4 trụ cột của giáo dục là học để biết, học để làm người, học để sống với người khác và học để làm. Vì vậy, nếu thiếu sự quan tâm trong giáo dục đào tạo kỹ năng sống cho học sinh sẽ ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến việc phát triển toàn điện học sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển một cách toàn diện con người Việt Nam.
Phóng viên: Sau 3 tháng đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có văn bản hồi đáp, đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Văn bản trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra được những công việc chủ yếu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện trong thời gian qua về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời cũng đã nêu ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của bất cập, hạn chế trong việc giáo dục kỹ năng sống. Tại văn bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được một số giải pháp để tăng cường kỹ năng sống, thực hành cho học sinh trong thời gian tới. Bởi vậy, về cơ bản tôi hài lòng và đồng tình với một số giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra trong văn bản trả lời. Tuy nhiên, tôi cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng cần phải có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc hơn về những nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại hạn chế để từ đó có thể đưa ra được những giải pháp cho việc dạy và học kỹ năng sống thiết thực và khả thi hơn.
Phóng viên: Thưa đại biểu, có ý kiến cho rằng, dạy kỹ năng sống cho học sinh cần chú trọng đến thực hành và trải nghiệm. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trường học hiện nay liệu có đáp ứng yêu cầu dạy và học hay chưa?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Theo tôi được biết hiện nay một số các trường cũng đã có đầu tư về cơ sở vật chất về nguồn lực cũng như là trang thiết bị cho việc dạy kỹ năng sống cũng như cho việc thực hành của học sinh. Một số tỉnh thành trong cả nước cũng đã dành tỷ lệ ngân sách rất lớn cho việc đầu tư giáo dục trong đó có dạy kỹ năng sống. Ví dụ: như trang bị các phòng thí nghiệm bố trí các nơi để các em tập thể dục, nơi để thực hành như vườn ươm cho các em thực hành giờ học sinh học,... Tuy nhiên nhiều trường cơ sở vật chất, trang thiết bị và ngay cả đội ngũ giáo viên dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa đầy đủ, còn thiếu đặc biệt nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi và điều đó gây thiệt thòi cho học sinh nơi này, ảnh hưởng không tốt đến việc dạy và học.
Phóng viên: Giáo dục kỹ năng sống dù đã được đưa vào giảng dạy ở nước ta từ khá lâu nhưng việc dạy và học bộ môn đặc biệt này cũng còn nhiều bất cập. Theo đại biểu, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, điều hành và kế hoạch giảng dạy căn bản như thế nào?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: Việc dạy và học kỹ năng sống đã được đưa vào trong nhà trường từ khá lâu rồi nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập và cần phải có những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, qua nhìn nhận và đánh giá những hạn chế, tồn tại thời gian qua, tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và người đứng đầu ngành Giáo dục phải quan tâm và triển khai một cách quyết liệt hơn nữa những giải pháp Bộ đã đưa ra. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Bộ có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan; với địa phương; giữa nhà trường với gia đình, phụ huynh trong việc giáo dục dạy và học kỹ năng sống cho học sinh được hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư cho giáo dục nói chung; dạy và học kỹ năng sống nói riêng cũng cần phải có nguồn ngân sách thỏa đáng. Bộ cũng cần nghiên cứu những kinh nghiệm, phương pháp giáo dục kỹ năng sống của các nước tiên tiến từ đó có lựa chọn áp dụng phù hợp tại nước ta.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!