Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 được Chính phủ ban hành để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công (2009), theo đó phạm vi của Nghị định bao gồm việc cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi làm phần đóng góp của địa phương trong các dự án hợp tác công tư; không bao gồm vay vốn khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa.
Căn cứ Điều 42 Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13, việc xác định các dự án khẩn cấp đối phó với thiên tai thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài chính đề nghị đại biểu tham chiếu Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão và liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được trả lời chi tiết.
Chưa đồng tình cao với nội dung trả lời của Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng, Bộ Tài chính trả lời chất vấn của đại biểu chưa rõ ràng, chưa đúng trọng tâm nội dung câu hỏi, còn lòng vòng dẫn giải sang văn bản này, sang bộ ngành kia.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung đã chất vấn?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tại kỳ họp thứ 5 tôi đã chất vấn Bộ Tài chính liên quan đến các công trình phòng chống biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, có nhiều công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu như xây dựng đê biển, đê bao để phòng chống sạt lở ven biển, nhiều địa phương phải vay vốn từ nguồn ODA. Vì vậy, tôi rất muốn Bộ Tài chính minh bạch về các công trình được gọi là khẩn cấp, ứng phó với thiên tai biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 21/06/2018 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản số 7405 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ Tài chính?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Về nội dung trả lời tại văn bản của Bộ Tài chính, tôi chưa có sự đồng tình cao. Nội dung tôi chất vấn cơ bản là: Bộ Tài chính đã biết là tôi chất vấn ở Nghị quyết số 52/2017/NĐ- CP ngày 28/4/2017 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại Nghị định có đề cập, đối với những công trình khẩn cấp đối phó với thiên tai, thảm họa không nằm trong quy định của Nghị định này, nghĩa là địa phương không phải vay lại nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều công trình như xây dựng đê bao ven biển, công trình phòng chống sạt lở ven sông, ven biển tại các địa phương đều phải vay lại. Vì vậy, tôi muốn trao đổi với Bộ Tài chính để làm rõ các công trình này có nằm trong danh mục đó hay không? Vì thực tế các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều địa phương không tự cân đối được nguồn ngân sách mà đây là những công trình mang ý nghĩa an sinh xã hội không sinh lời mà tính lãi cho các địa phương thì nguồn ngân sách địa phương cân đối để trả sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần tìm ra giải pháp tốt nhất để xử lý các công trình này nhưng Bộ Tài chính đã trả lời chưa rõ ràng, còn lòng vòng dẫn giải sang văn bản này, sang bộ ngành kia. Tôi nghĩ là đây là việc cần làm, cũng là vì lợi ích chung, lợi ích nhân dân nên khi gặp vấn đề khó khăn cần cùng tìm cách tháo gỡ vì mục đích dân sinh.
Phóng viên: Thực tiễn các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển được thực hiện từ nguồn kinh phí nào? Và những khó khăn gì trong việc xác định kinh phí của các dự án?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Hiện tại các địa phương đang sử dụng từ 3 nguồn kinh phí: thứ nhất, từ ngân sách trung ương và các bộ ngành của trung ương; thứ 2, từ nguồn vay từ vốn ODA và thứ 3 là từ nguồn xã hội hóa đối với các công trình ứng phó với thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những công trình có vốn lớn thường được xây dựng trên 1 nền móng không vững chắc và trong quá trình thi công, tồn tại thì luôn bị các yếu tố như sóng biển, triều cường tác động. Vì vậy, các công trình này rất là khó tính toán đến chi phí.
Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, cần có cơ chế, chính sách gì để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án xây dựng đê biên, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Theo tôi cần huy động thêm các nguồn lực từ xã hội. Trong khi nguồn ngân sách của chúng ta còn khó khăn, hạn hẹp, chưa đảm bảo được thì huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp cùng chung tay với chúng ta để xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết. Điều quan trọng là cần có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp cùng tham gia.
Riêng đối với tỉnh Cà Mau, chúng tôi cũng đang trình và xin ý kiến Chính phủ tạo điều kiện, cơ chế thích hợp để huy động nguồn lực xã hội đặc biệt là từ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Để đầu tư vào lĩnh vực này ở khu vực tư nhân khi đầu tư vào phải có cơ chế sinh lời cho nên chúng tôi kiến nghị cho các doanh nghiệp được bỏ kè, tạo bãi, tạo điều kiện cho các rừng đặc dụng phát triển. Phần thêm ra, chúng ta dành lại cho các doanh nghiệp để khai thác du lịch sinh thái hoặc có thể đầu tư điện gió, điện năng lượng mặt trời làm sao bù đắp lại các khoản doanh nghiệp đã bỏ chi phí cùng với Nhà nước tạo các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!