Nông nghiệp Hà Nội - Những cánh đồng bị bỏ quên
Trưa tháng 11/2018, giữa cánh đồng Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 20 cây số, bà Nguyễn Thị Hương cầm chiếc bát nhựa té từng gáo nước lên luống, cho tới khi từng gốc hành, gốc cải đẫm nước. Nước tưới rau được hút từ giếng khoan, qua chiếc máy bơm chạy bằng dầu đặt ở đầu bờ. Trên cánh đồng, cách vài mảnh ruộng lại có một máy bơm thủ công. Có chiếc chạy bằng dầu, có cái phải bơm tay. Bà Hương cho biết: "Từ khi nhà tôi làm ruộng ở đây là không có một ít nước nào của tập thể. Người dân ở đây làm ruộng nhà nào cũng đều phải tự đào giếng, tự lo nước tưới...".
Cánh đồng Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội
Cách đó không xa, cũng giống như Bà Hương, để có nước dùng cho sản xuất nông nghiệp, Bà Bùi Thị Ngọt cũng phải dùng 2 chiếc thùng nhựa để gánh từng gánh nước từ chiếc giếng khoan gần đó để tưới cho ruộng rau nhà mình. Bà Ngọt cũng cho biết: Chúng tôi ở đây phần lớn là tự lo hết, mỗi nhà một cái giếng khoan bơm nước để tưới rau. Có xây dựng các trạm bơm, các đường ống nước đến từng thửa ruộng nhưng từ ngày thành lập người ta thử bơm nước có 10 phút xong từ đấy là tắt không bao giờ có nữa...
Giữa thủ đô của thế kỷ 21, không phải hệ thống tưới phun tự động, không phải hệ thống dẫn nước toàn cánh đồng, mà là một cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 thuần chất: cả cánh đồng lỗ chỗ những giếng khoan nông dân tự hút nước, tự tưới nước. Ngoại trừ việc lấy nước từ giếng khoan, thì việc tưới nước của bà Hương, bà Ngọt cũng như những người nông dân khác tại cánh đồng Thụy Hương được thực hiện thủ công bằng một cái gáo nhỏ, là phương pháp mà nông dân Việt Nam đã làm từ nghìn năm nay.
Bà Bùi Thị Ngọt dùng gáo nhựa tưới nước cho rau
Theo chỉ dẫn của Bà Ngọt, chúng tôi tìm đến Trạm bơm mà theo lời bà đã đắp chiếu nhiều năm nay. Đây đã từng là trung tâm của một “quy hoạch” trồng rau an toàn ngày thủ đô mở rộng. Phía sau cánh cổng sắt hoen màu của trạm bơm là một hệ thống các ống nước đều hoen gỉ. Dây dẫn hoặc cuộn, hoặc chằng níu một cách tạm bợ. Cơ ngơi tồi tàn này từng là công trình phục vụ Dự án rau an toàn triển khai ở xã gần mười năm trước.
Trạm bơm xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội
31 dự án - hơn 2.000 hécta rau an toàn đã được quy hoạch. Nhưng trong 5 năm qua, năng suất rau của Hà Nội chỉ tăng 7%. Thành phố vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Trong 5 năm, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp cũng liên tục giảm. Điều đó đồng nghĩa với tốc độ phát triển của nông nghiệp đang tụt lại so với các ngành khác. Vấn đề không phải là Hà Nội chủ trương bỏ lại nông nghiệp. Ngược lại, Thành phố đã có nhiều dự án đầu tư tham vọng. Năm 2009, Thụy Hương được chọn làm mô hình thí điểm xây dựng nông thôn mới. Thành phố phê duyệt ở đây một dự án trồng rau an toàn với 55 tỷ đồng được rót vào gần 80 hécta đất canh tác. Bảy thôn nằm trong quy hoạch. Bà Hương cũng trích một sào trong ruộng nhà mình đóng góp, hào hứng tham gia. Nhưng rồi vụ ấy, công ty không thực hiện lời hứa, chỉ thu mua xà lách, rau cải để già dưới ruộng phải nhổ vứt đầy bờ. Cả vụ, bà Hương thu về được 500.000 đồng, không bằng một buổi đi chợ. Thế là bà bỏ luôn dự án. Cả cánh đồng giờ chỉ có hơn một hécta mới được doanh nghiệp thuê lại từ năm ngoái để trồng rau an toàn. 80 hécta được quy hoạch - chỉ 01 hécta được vận hành.
Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, trong vòng 5 năm (2011 - 2015) phải thực hiện có hiệu quả các đề án trọng tâm về nông nghiệp, trong đó có rau an toàn. Các đề án được yêu cầu “phải có tính khả thi cao, đầu tư đồng bộ”. Và cái trạm bơm nước của Thụy Hương không phải là cá biệt. Một thập niên trôi qua, việc đầu tư nhà sơ chế, đường điện, giao thông thủy lợi nội đồng cho các vùng rau an toàn của Hà Nội vẫn là một bản vẽ chắp vá. Có nhiều con số thống kê cho thấy nông nghiệp đang bước chậm trong tốc độ phát triển của thành phố kể từ sau sáp nhập. Nhu cầu nông sản giá trị cao của thị trường Hà Nội đang tăng. Những quy hoạch vùng trồng giá trị cao sau ngày mở rộng cũng nhiều. Những lời kêu gọi về một nền nông nghiệp hiện đại khó đếm hết. Nhưng tổng thu nhập từ nông nghiệp của Hà Nội gần như không tăng trong 5 năm qua. Lúc thì nông dân không thực hiện cam kết với doanh nghiệp. Lúc thì doanh nghiệp nuốt lời với nông dân... là một trong rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho sự thất bại của vùng quy hoạch. Về vấn đề này phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu.
Góc nhìn đại biểu
Phóng viên: Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cuộc sống của người dân nông thôn đã có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình hội nhập đã khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Theo Đại biểu, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Trong thực tế vẫn có những chính sách chưa bảo đảm nguồn lực cũng như là một cú hích để tạo dựng một cơ chế cho người nông dân gắn liền với đồng ruộng với sản xuất, với nghề nghiệp của mình. Để tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm đời sống và tham gia vào chuỗi phát triển kinh tế. Vì thế người nông dân phải tính toán việc có lợi hay không có lợi và xuất phát từ việc chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống, cho nên trong hoạt động sản xuất của người nông dân còn có những thiệt thòi, chịu nhiều áp lực mà thậm chí còn có thua lỗ cho nên người nông dân không mặn mà với đồng ruộng của mình.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Hiện nay, người nông dân sản xuất rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, hoặc muốn sản xuất với mô hình lớn thì việc vay vốn ngân hàng thủ tục rất rườm rà... cho nên rất khó trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đối với nhà nước, việc đầu tư chính sách để nông dân phát triển tương đối tốt, tuy nhiên lại rất khó khi chưa có chủ trương phù hợp sát với người nông dân. Mối liên kết 4 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà Doanh nghiệp trong thời gian qua đã làm nhưng chưa được chặt chẽ và chưa thực sự phối hợp nhịp nhàng.
Đại biểu Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai
Đại biểu Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: Nguyên nhân dẫn đến người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng là do sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn thủ công, hiệu quả năng xuất sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, cũng như trên thế giới. Khi năng suất chất lượng lao động chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến tình trạnh nông dân bỏ đất bỏ ruộng đi tìm công việc khác có nguồn thu nhập cao hơn.
Phóng viên: Theo đại biểu, chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ gì để giúp người nông dân có thể làm giàu trên chính thửa ruộng của mình?
Đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Để giải quyết được vấn đề này theo tôi cần phải có giải pháp tổng thể. Thứ nhất phải tổng rà soát tất cả những cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp nông thôn và nông dân để trên cơ sở đó chúng ta sửa đổi bổ xung một cách kịp thời tạo ra những cú hích thích đẩy người nông dân gắn liền với đồng ruộng của mình. Thứ hai nguồn lực để bảo đảm cho chính sách đó phải được tính toán một cách cụ thể, chi li để nâng cao khả năng thực thi của nó trong thực tiễn. Thứ 3 nữa là thủ tục hành chính và các vấn đê liên quan đến công tác tuyên truyền, công tác hướng dẫn tập huấn sản xuất về nông nghiệp nông thôn tức là tham gia chuỗi sản phẩm của nông dân thì cần phải được quan tâm
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi: Trong thời gian tới để thúc đẩy người nông dân sản xuất trên đồng ruộng của mình và có thêm thu nhập từ mảnh đất của mình thì cần có sự kết hợp giữa "4 nhà" một cách đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa thì hiệu quả mới cao hơn được.
Đại biểu Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: Người nông dân cũng như các nhà khoa học và các nhà chuyên môn cần có những biện pháp để khi sản xuất nông nghiệp không xảy ra tình trạng "được mùa mất giá" mà "được giá mất mùa", để không xảy ra tình trạng giải cứu nông sản. Sự kết hợp chặt chẽ giữa "4 Nhà" để người nông dân sản xuất ra sản phẩm trong một chu kỳ khép kín có nguồn tiêu thụ ổn định, khi đó có thị trường nông nghiệp mới đảm bảo, người nông dân sẽ không bỏ ruộng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!