Thảo luận về dự án Luật, các Đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), thay thế Luật Thi hành án hình sự năm 2010 vốn đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế với một số quy định hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm cụ thể hóa quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo HIến pháp 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; qua đó, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đảm bảo tính đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.
Các Đại biểu cũng cho rằng đây là một dự án luật khó, có nhiều nội dung mới cần phải xem xét thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp để có thể nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, từ đó hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của luật. Nhiều Đại biểu cũng quan tâm tới các quy định cụ thể như: việc học nghề của các phạm nhân đang thi hành án, quy định về tha tù trước thời hạn, lao động trong trại giam hay chấp hành thi hành án hình sự của pháp nhân thương mại...
Phóng viên đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, về các vấn đề xung quanh dự án Luật này.
Phóng viên: Xin Đại biểu cho biết về dự thảo Luật này, Đại biểu quan tâm tới những nội dung gì?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Phải nói rằng, sửa đổi Luật Thi hành án hình sự là việc làm cần thiết vì Luật này đã được ban hành trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015, cho nên câu chuyện thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại chưa được đặt ra. Do đó, nếu không sửa đổi, bổ sung quy định này thì khi tòa án xử phạt pháp nhân thương mại phạm tội cũng không có cơ chế thi hành; cùng với một số bất cập tồn tại trong Bộ Luật hình sự năm 2010 cũng cần thiết được sửa vào. Hơn nữa, chúng ta cũng hướng tới thực hiện chức năng hình phạt là không chỉ trừng trị, mà còn cải tạo người phạm tội thành người có ích cho xã hội. Tôi cho rằng đây là một việc làm rất cần thiết.
Phóng viên: Đại biểu có ý kiến gì về phạm vì điều chỉnh cũng như thời gian thông qua Luật?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Về phạm vi điều chỉnh thì như tôi đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, ý kiến cho rằng Luật này đã ôm một phần của Luật Thi hành án dân sự là không chính xác vì hình phạt tiền đối với pháp nhân, tịch thu tài sản liên quan trực tiếp tới tội phạm, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc nội hàm của Luật Thi hành án dân sự nhưng Luật này vẫn bao gồm là không chính xác. Một điều nữa, Luật này chỉ được phép quy định về tổ chức của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và cơ quan thi hành án hình sự và gồm thêm các tổ chức cơ quan được giao quyền, ví dụ như Ủy ban nhân dân, trại giam, tòa án là hoàn toàn không chính xác.
Phóng viên: Nhiều Đại biểu cũng quan tâm tới các nội dung quy định như cho phép cơ sở trại giam, giam giữ có thể phối hợp với các cơ quan tổ chức doanh nghiệp để dạy nghề, đưa phạm nhân lao động ra ngoài cơ sở trạm giam. Đại biểu có nhận định gì về quy định này?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi phải khẳng định trong dự thảo Luật dùng từ "có thể", điều đó có nghĩa là không bắt buộc. Vì vậy, để đưa được phạm nhân ra lao động ở ngoài thì phải xem mức độ tự giác của phạm nhân và lường nguy cơ trốn trại, nhưng tôi ủng hộ quan điểm này nhưng phải kèm theo điều kiện. Vấn đề lớn hiện tại là ta phải giáo dục phạm nhân, hướng họ hòa nhập vào cộng đồng. Do đó, việc hướng cho họ học nghề, tham gia hoạt động xây dựng ngoài trại giam là cần thiết. Nhưng câu chuyện lớn mà tôi đã xin Quốc hội 1 phút, đó là thành quả lao động của phạm nhân hiện nay ai hưởng? Nếu có điều kiện đi tham khảo trại giam thì đây là vấn đề cực kỳ cần được giả mã. Nếu như chúng ta có quy định chia thành quả lao động cho phạm nhân một phần thì vừa động viên, vừa tạo cho họ một phần tiền để thực hiện những biện pháp khác như chi trả án phí, phí bồi thường thiệt hại,...; đây cũng tạo điều kiện để họ thực hiện những biện pháp tư pháp, là lại là điều kiện để họ được đặc xá, được giảm án tha tù sau này. Giả sử người ta không phải bồi thường, thì nếu chia cho người ta một phần thành quả lao động thì sẽ tạo cho họ một khoản tiền nhất định để sau khi ra tù có thể sử dụng để tái hòa nhập cộng đồng. Việc này sẽ giúp đạt được ý nghĩa đào tạo, giáo dục, hướng thiện cho họ có đủ điều kiện pháp luật cho phép.
Phóng viên: Luật này có thể thông qua theo quy trình tại 3 Kỳ họp, tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Hình sự của chúng ta đã có hiệu lực, trong đó xử cả pháp nhân. Do đó, khi chúng ta chưa thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), thì trong giai đoạn chuyển tiếp này, sẽ có quy định chuyển tiếp nào, để tạo ra cơ chế nào đó thi hành án hình sự với các phạm nhân?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi phải khẳng định một điều là trong Luật Hình sự thì không có nguyên tắc tương tự, còn trong Luật Thi hành án hình sự thì chúng ta có thể nghiên cứu theo hướng nguyên tắc. Do trong Bộ Luật Tố tụng hình sự có những quy định về tính nguyên tắc rồi, nhưng phải khẳng định một điều đến giờ mới nghiên cứu để ban hành Luật Thi hành án hình sự này là chậm. Chậm là vì nó không đồng bộ với việc đảm bảo cơ chế thi hành phán quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 mà vốn đã chậm rồi. Nhưng tôi quan điểm rằng, mặc dù chậm, nhưng chúng ta có cơ chế áp dụng nguyên tắc đã được quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự, thì thà chậm còn hơn để sai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chấp nhận là chậm và áp dụng những quy tắc vốn có trong Bộ Luật Tố tụng hình sự để sửa luật này cho chính xác. Còn câu chuyện chúng ta cứ vội vàng, dẫn đến Luật ra không bảo đảm tính khả thi còn tai hại hơn nhiều./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!