CẦN NGHIÊN CƯU KỸ VIỆC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

19/11/2018

Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đa số các đại biểu đề nghị cần nghiên cưu kỹ việc cưỡng chế thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại và quan tâm tới công tác lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.

Sau 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự đã bộc lộ nhiều bất cập hạn chế, và các quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung Luật là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013, đồng thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án hình sự năm 2010.

Dự thảo Luật gồm 16 Chương, 232 Điều. So với luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 92 Điều, bổ sung 52 Điều, bỏ 1 Mục và 4 Điều. Đa số các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi của Luật, những nội dung các đại biểu quan tâm thảo luận gồm tha tù trước thời hạn, quyền và nghĩa vụ của người kết án tù trong thời gian chờ thi hành án…

Cổng thông tin điện tử ghi nhận một số ý kiến đại biểu về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Thành phố Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng: Về chế định hoãn, tạm đình chỉ án phạt tù, dự thảo Luật chưa quy định người được hoãn sẽ giải quyết theo trình tự nào, vì đối tượng hoãn vẫn có khả năng di dời khỏi nơi cư trú. Vậy đối với đối tượng chuyển nơi cư trú ra khỏi địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã được hoãn cho chuyển đối tượng hay không? Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định về trường hợp người được hoãn chấp hành án phạt tù thay đổi nơi cư trú trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án.

Đối với pháp nhân thương mại chấp hành án tại khoản 1 Điều 3, tôi đề nghị cần có quy định rõ ràng nhằm bổ sung quy định với các pháp nhân thương mại và bộ Luật Hình sự sao cho phù hợp với lý luận khoa học hình sự cũng như lý luận thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Đối với pháp nhân đình chỉ vĩnh viễn mọi hoạt động của pháp nhân thì hậu quả pháp lý của pháp nhân có tồn tại hay không? Việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực với các bên liên quan. Ví dụ như việc bảo đảm quyền lợi của người lao động, thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan… thì sẽ được giải quyết như thế nào? Thủ tục, nội dung cưỡng chế, thi hành các hình phạt được thực hiện ra sao? Tôi đề nghị cần bổ sung những quy định cụ thể điều chỉnh những vấn đề nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Đối với nội dung cho phạm nhân tiếp xúc lao động bên ngoài trại giam, cần nghiên cứu tính khả thi của trại giam, đảm bảo công tác giam giữ mà vẫn thể hiện được chính sách nhân đạo của Nhà nước là cho phạm nhân lao động, có thêm điều kiện cải tạo. Bên cạnh đó cần quan tâm đến công tác đào tạo và dạy nghề cho phạm nhân.

Công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, để đạt được mục đích của hình phạt, giáo dục dạy nghề cho phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân sau khi chấp hành hình phạt tù được hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần hài hòa các mục đích của hình phạt, không nên làm giảm tính nghiêm minh các phán quyết của Tòa án, Tư pháp và của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn đơn vị quân đội quản lý đối tượng không giam giữ. Trong đó đề nghị xem xét lại chức năng nhiệm vụ của quân đội để sát với thực tiễn. Cùng với đó, dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) đánh giá đầy đủ tính khả thi cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, pháp nhân thương mại, trong đó đề cao quyền con người và quyền công dân, đảm bảo chế độ và chính sách đối với phạm nhân, đặc biệt phạm nhân phải được hưởng thành quả lao động trong thời gian ở tù để phạm nhân khi ra tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Mai Trang