DỰ ÁN LUẬT KIÊN TRÚC: ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ,THỐNG NHẤT CÁC LUẬT KHÁC

09/11/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 08/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Kiến trúc.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng sau rất nhiều năm Việt Nam mới có được một Dự án Luật Kiến trúc hoàn chỉnh. Vì vậy, bên cạnh tính cần thiết của ban hành Luật thì cũng cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng bởi đây là một dự án Luật chuyên ngành, tính kỹ thuật cao.... Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Bà Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

Bà Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Dự án Luật Kiến trúc lần này cơ bản đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cần bổ sung một số điều khoản và điều chỉnh lại một số nội dung để đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn. Điển hình như trong dự thảo Luật chưa quan tâm sâu đến mối quan hệ giữa kiến trúc với xây dựng và quy hoạch. Đặc biệt, mối quan hệ này phải được thể hiện rất rõ quy hoạch ở các vùng đô thị, vùng nông thôn và quy hoạch giữa các vùng miền như thế nào. Mối quan hệ này chúng ta cần phải thể hiện trong luật một cách cụ thể hơn. Ví dụ, đặc điểm kiến trúc của vùng đô thị khác với vùng nông thôn. Và khi đưa vào trong luật chúng ta cũng phải thấy được sự logic, mối quan hệ giữa 3 lĩnh vực này. Và việc duyệt một quy hoạch kiến trúc như thế nào, một bản kiến trúc có hiệu quả thì nó phải có tính gắn kết rất rõ.

Đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Luật Kiến trúc liên quan đến rất là nhiều các luật khác như Luật xây dựng. Cho nên một số điều khoản nếu trong phạm vi điều chỉnh của Luật xây dựng có quy định rồi thì Luật Kiến trúc chỉ thực hiện trong phạm vi điều chỉnh đó. Điển hình như việc hành nghề của các kiến trúc sư và quản lý nhà nước cũng cần phải đi sâu vào để làm thế nào Luật Kiến trúc thực chất đi vào hoạt động có hiệu quả. Hiện nay trong quá trình xây dựng, trong quá trình quy hoạch đô thi cần phải có bộ máy tổ chức của Hội kiên trúc sư để thực hiện việc thiết kế, mô phỏng để có thể tuyển chọn các kiến trúc sư giỏi, các tổ kiến trúc sư để đưa vào hoạt động một cách bài bản.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Thực tế hiện nay cho thấy kiến trúc đô thị, kiến trúc thị trấn, thị tứ, kiến trúc di sản để lại cùng với quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển dân cư thì một bức tranh tổng thể kiến trúc là không đáp ứng được yêu cầu. Đây là tính cấp thiết cần phải xây dựng ban hành trong Dự án Luật Kiến trúc này nhằm thỏa mãn được yêu cầu về hoạt động kiến trúc, quản lý kiến trúc.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trong bối cảnh yêu cầu xây dựng của Việt Nam ngày càng tăng cao, giữ gìn cảnh quan kiến trúc để bảo tồn tính đặc sắc của dân tộc thì việc ra đời của Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết để vừa đảm bảo yếu tố dân tộc vừa kết hợp với yếu tố thời đại. Dự án Luật lần này cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên có một số vấn đề cần thiết phải rà soát lại để quy định chặt chẽ hơn, bên cạnh đó bảo đảm sự thông thoáng và tiện dụng cho người dân. Ví dụ liên quan đến quy định ban hành quy chế về quản lý kiến trúc là cần thiết tuy nhiên đặt trong bối cảnh đã có Luật Xây dựng, quy hoạch xây dựng, nên chăng có sự kết hợp nội dung liên quan đến quy chế kiến trúc nằm ở trong vấn đề quy hoạch xây dựng. Như vậy khi người dân xin cấp phép thì chỉ căn cứ vào 1 văn bản là quy hoạch xây dựng, đảm bảo tính tiện dụng cho người dân và sự minh bạch trong luật.

Lê Phương