ĐBQH TRƯƠNG YẾN LINH: BỔ SUNG MỘT SỐ ĐẶC THÙ CỦA NGÀNH Y TRONG LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

08/11/2018

Chiều ngày 08/11, tại Tòa nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tại Tổ 6, đại biểu Trương Yến Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đề nghị bổ sung một số đặc thù của ngành y trong Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với 10 Chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 01 chương, 01 mục và 07 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 06 chiều ngày 08/11 về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trương Yến Linh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhất trí với việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự án Luật Giáo dục đại biểu cho rằng, chưa có sự khác biệt giữa giáo dục ngành y và giáo dục chung. Thực tế đào tạo ngành y có sự khác biệt như: chuyên khoa I; chuyên khoa II không tương đương Thạc sỹ, Tiến sỹ. Đại biểu đề nghị bổ sung một số đặc thù cho ngành y trong quy định tại dự thảo. Điều 64, bổ sung cơ sở thực hành tại các trường đại học đáp ứng đủ yêu cầu thực tiễn.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến một số nội dung khác của dự thảo luật như: chính sách, trách nhiệm nhà nước đối với phổ cập giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục; chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; chính sách lương đối với nhà giáo; đầu tư, tài chính và xã hội hóa giáo dục; mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao;…

Đại biểu Nguyễn Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình - cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số điều khoản tại dự thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đối với quy định tại Điều 27 về các cấp học và độ tuổi, đại biểu đề nghị bổ sung thuật ngữ “từ” và được tính theo năm; không nên quy định cứng. Đối với, Điều 42 có quy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe là không phù hợp. Đại biểu đề nghị không nên quy định cấm liên kết đào tạo đối với các ngành sức khỏe vì sẽ làm hạn chế quyền của các trường này, đặc biệt trong bối cảnh các trường thực hiện tự chủ. Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết đối với liên kết đào tạo của các trường thuộc lĩnh vực sức khỏe. Tại Điều 56, 57 về tổ chức Đảng, đoàn thể quy dịnh còn chung chung, chưa hợp lý nên nghiên cứu xem có cần thiết phải có nội dung này trong luật hay không.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tham dự phiên thảo luận Tổ 06

Về hồ sơ dự án Luật, Đại biểu Trương Minh Hoàng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau - cho rằng: hồ sơ Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để làm rõ hơn căn cứ của việc đề xuất các chính sách mới và sửa đổi các điều khoản của Dự án Luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ hơn, xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để xem xét thấu đáo những vấn đề do thực tiễn đặt ra, thể hiện được định hướng phát triển lâu dài và bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Về đầu tư, tài chính trong giáo dục, đây là nội dung mới, đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị bỏ kinh phí đặt hàng giao nhiệm; làm rõ 20% chi ngân sách cho giáo dục dùng thực hiện nhiệm vụ cụ thể gì? từ đó có các chính sách tài chính phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo và từng loại đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước trong giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc góp ý vào từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện về kỹ thuật văn bản, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định nêu trong Dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

 

Lê Anh