DỰ THẢO LUẬT ĐẶC XÁ: CHÍNH SÁCH CHẶT CHẼ VÀ ĐẢM BẢO SỰ KHOAN HỒNG CỦA NHÀ NƯỚC

08/11/2018

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 07/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung dự thảo luật Đặc xá (sửa đổi). Đánh giá cao Luật đã khắc phục được một số vấn đề còn bất cập mà ở những lần sửa đổi trước chưa thực hiện được. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng cần tiếp tục bổ sung để hoàn thiện hơn nữa. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Lần này so với trước đây Dự thảo Luật Đặc xá đã khắc phục được bất cập trong chính sách được hưởng đặc xá. Đó là nếu như trước đây chỉ dùng từ đặc xá đối với người đang chấp hành hình phạt tù ở các trại giam, trại tạm giam và người đang chấp hành hình phạt tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn thì trong dự thảo đợt này có đưa thêm đối tượng nữa ở điều 11 đó là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Đó là cái mới để đảm bảo được cân bằng về mặt chính sách giữa các đối tượng.

Về chính sách trong điều 11 của dự thảo Luật lần này chặt chẽ và vẫn đảm bảo được sự khoan hồng của Nhà nước. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp rõ ràng còn có 1 số bất cập cần được sửa đổi. Ví dụ như ở Bộ luật Hình sự 2015 đã có chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định ở điều 66.  Lần này chúng ta phải làm thế nào để đặc xá này không bị trùng lặp với tha tù trước thời hạn có điều kiện. Và một việc nữa đó là khi nói tới đặc xá, ngoài đối tượng thông thường ở điều 1 thì còn có môt số đối tượng nữa đó là đối tượng đặc biệt. Họ không nằm trong diện quy định ở điều 11, chúng ta cũng phải tính tới để bảo đảm những việc cần thiết về đối nội, đối ngoại. Vì mục đích của hình phạt là không chỉ nhằm trừng trị mà còn mục đích cải tạo giáo dục, sản phẩm của việc chấp hành hình phạt tù đó là ra khỏi nhà tù sẽ là 1 con người tốt cho xã hội.

Đại biểu Phan Anh Khoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Đại biểu Phan Anh Khoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Mỗi khi Chủ tịch nước quyết định đặc xá đều đem lại tác động xã hội rất lớn tạo động lực để cho người phạm tội phấn đấu rèn luyện, cải tạo sớm trở về làm công dân có ích cho xã hội. Do đó, mỗi lần đặc xá có số lượng lớn bao nhiêu không quan trọng, không cần quy định số lượng cụ thể, miễn là thực hiện đúng thủ tục, đúng trình tự theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, minh bạch thì sẽ tác động lớn và tích cực đối với việc thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

Một số đại biểu cho rằng cần quy định rõ trong luật chỉ xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9, hoặc không dưới 3 năm một đợt hay 5 năm một đợt, tôi thấy cũng rất có ý nghĩa vì nếu quy định hằng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn. Bên cạnh đó việc kéo dài thời gian đặc xá cũng là để cho những người được đặc xá có điều kiện tiếp xúc với xã hội, qua đó chúng ta kiểm định lại những người được đặc xá này có thể hiện được quyền lợi mà Đảng, Nhà nước và pháp luật cho họ, họ có phấn đấu hay không. Ngoài ra có thời gian như thế thì những người chưa được đặc xá cũng nhìn vào đó để có điều kiện phấn đấu.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa:

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Tôi nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và không liệt kê các sự hiện trọng đại trong luật mà giao Chủ tịch nước căn cứ các quy định của luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như cần tính toán về tần suất đặc xá, để vừa đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện được chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước. Tuy nhiên, cần làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.

Để đảm bảo tính minh bạch trong áp dựng pháp luật, đề nghị dự thảo Luật cần giao cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới Luật, xác định tiêu chí cụ thể để cho Chủ tịch nước có cơ sở xác định thời điểm đặc xá thế nào cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời tạo sự đồng thuận ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Đối với đối tượng đang chấp hành hình phạt tù, nếu chấp hành tốt những quy định của trại, thì việc đặc xá, tha tù trước thời hạn là cần thiết, tạo điều kiện để những người chấp hành án phấn đấu cải tạo.

Tuy nhiên khi ra tù sớm đối tượng phải có nghĩa vụ trình báo với chính quyền địa phương thôn, xóm đó để địa phương quan lý và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình là người công dân và chấp hành tốt những quy định. Trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương phải thường xuyên giám sát, đặc biệt là tạo mọi điều kiện cho người tha tù trước thời hạn có điều kiện có công ăn việc làm. Nếu có khó khăn về vốn, kinh tế thì giúp đỡ về vốn, kinh tế, không hiểu biết về pháp luật thì tuyên truyền về pháp luật để người phạm tội, người tha thù trước thời hạn làm tốt hơn./.

Lê Phương