Yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là vừa phải đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công cuộc phòng chống tham nhũng. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nội dung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Theo ý kiến của đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để xử lý là rất phức tạp. Do đó, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi, cách làm phù hợp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời bảo đảm sự hài hòa cả về tính pháp lý, chính trị và thực tiễn xã hội của nước ta.
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Phóng viên: Thưa đại biểu, dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến, trong đó nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm đó việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc. Đại biểu có quan điểm như thế nào về trách nhiệm giả trình nguồn gốc tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức trên thực tế hiện nay?
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Trách nhiệm giải trình, tính minh bạch tài sản là trách nhiệm rất quan trọng của cán bộ công chức, viên chức. Tài sản của cán bộ công chức để bảo đảm sự minh bạch có thể phân ra làm 3 loại khác nhau: Thứ nhất, là tài sản được hình thành từ thu nhập hợp pháp; thứ hai, là tài sản được hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật (chẳng hạn như: tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật khác); thứ ba, là tài sản được hình thành nhưng cơ quan nhà nước không có căn cứ để khẳng định rằng tài sản đó hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật và người cán bộ công chức cũng không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản. Hiện nay, pháp luật của chúng ta đang bỏ trống việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc. Chính vì vậy, đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào trong lần sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tham nhũng trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay có nhiều phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. Đại biểu có quan điểm như thế nào?
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Hiện nay, dự án luật đang trình 2 phương án, một phương án là xử lý ở tòa án và một phương án là sẽ thu thuế thu nhập cá nhân. Với phương án xem xét ở tòa án thì sẽ được xem xét bởi cơ quan tư pháp tức là xem xét khối tài sản này có đúng là tài sản được hình thành nên mà không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc theo trình tự thủ tục ở tòa án.
Đối với phương án đặt vấn đề thu thuế thì bản chất là cơ quan kiểm soát thu nhập sẽ tiến hành xem xét và kết luận. Như vậy, điểm khác nhau cơ bản của hai phương án này là: một bên là cơ quan tư pháp còn một bên là cơ quan hành chính. Việc chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với các tài sản được hình thành nhưng không được giải trình một cách hợp pháp, hợp lý về nguồn gốc với 2 phương án đưa ra một là tòa án và một là thu thuế thì về mặt bản chất đều là tịch thu toàn bộ hoặc một phần của tài sản đó.Theo tôi, với bản chất là việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản thì việc đưa ra quyết định tịch thu tài sản nên để ở cơ quan tư pháp tiến hành sẽ có ưu thế hơn rất là nhiều. Trước hết, nếu được tiến hành bởi tòa án sẽ có một trình tự, thủ tục rất là chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy trình luật định và bảo đảm sự minh bạch. Hơn nữa, nếu chúng ta giao việc này cho tòa án thì tòa án sẽ có bộ phận chuyên môn xét xử và việc này sẽ được xem xét quyết định bởi những người có chuyên môn. Vì vậy, tôi cho rằng phương án để tòa án xem xét quyết định xử lý đối với tài sản này có ưu thế hơn rất nhiều.
Phóng viên: Nếu xử lý theo phương án xét xử của tòa án liệu có tạo sức ép, ùn ứ các vụ việc khi thực tế hiện nay các vụ án hành chính còn tồn đọng khá nhiều mà lượng thẩm phán, cơ sở hạ tầng còn có hạn chế không thưa đại biểu?
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: Đây là vấn đề mà rất nhiều đại biểu đặt ra khi thảo luận tại hội trường. Theo tôi, ở đây chúng ta thêm một nhiệm vụ mới và quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ vô cùng cần thiết cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Vì vậy, đúng là có tạo thêm sức ép, thêm khối lượng công việc nhưng đó là việc làm cần thiết và vẫn phải làm. Tôi tin rằng khi chúng ta thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy nhà nước thì ngành tòa án cũng như các ngành khác trong bộ máy nhà nước sẽ có sự sắp xếp, tinh giảm hợp lý, làm sao vẫn bảo đảm được nhân lực để thực hiện một nhiệm vụ rất mới, rất cần thiết cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!