Bên cạnh đánh giá cao các thành tựu đã đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, giải quyết tình trạng chồng chéo, xung đột về chính sách; Đẩy mạnh liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư…Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội:
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết: Chú trọng và liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp nòng cốt trong nền kinh tế, đóng góp chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vấn đề phát triển và tương xứng với hội nhập hiện nay. Khoảng cách xa dần giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn. Tôi không phủ nhận đóng góp của doanh nghiệp FDI, tuy nhiên tác động lại cho khối doanh nghiệp tư nhân, sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và tư nhân là chưa rõ. Do vậy, nên chú trọng và liên kết giữa hai khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và doanh nghiệp tư nhân, cần có những chính sách thực sự rõ ràng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Quyết liệt hơn trong công tác điều hành
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: 3 năm qua việc tái cơ cấu nền kinh tế luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo điều hành, nhờ đó hiêu quả cao, GDP hàng năm đều tăng. Điển hình như năm 2018, tăng 6,98%, cao nhất trong trung bình các năm. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước, gắn với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Dù đã đạt kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn hạn chế với các mặt hàng nông sản. Điển hình những năm gần đây liên tiếp phải kêu gọi người dân tham gia giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, thanh long, bí… Tôi hi vọng thời gian tới, các cơ quan quản lý quyết liệt hơn trong công tác điều hành và khách quan hơn, có sự trọng tâm, cốt lõi hơn để làm sao nền kinh tế xã hội của chúng ta ngày càng phát triển, ngày càng tốt hơn theo dự tính của Chính phủ cũng như theo kỳ vọng của người dân hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Hoàn thiện hệ thống pháp luật để tái cơ cấu đi đúng hướng và giảm thiểu rủi ro
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Tôi đánh giá cao việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay đã có đề án cụ thể, bước đầu đi vào đúng hướng và được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên vẫn còn tổn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thật tốt bởi đó là cái gốc. Còn nếu tái cơ cấu mà chỉ dựa trên quyết tâm chính trị và mệnh lệnh hành chính thì sẽ không bền vững. Thực tế hiện nay muốn huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ngoài nguồn lực công như các hình thức hợp tác công tư PPP hay là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay huy động vốn qua các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức tài chính khác nhưng cơ sở pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ. Ngoài ra, thời gian qua có việc tạm dừng thanh toán các dự án BT đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Chúng ta chưa bàn đến câu chuyện đúng sai ở đây nhưng tôi muốn nói tái cơ cấu kinh tế đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thì khi đó tái cơ cấu sẽ đi đúng hướng và giảm thiểu rủi ro. Do vậy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cân đối phân bổ nguồn lực đầu tư hài hòa, nhất là cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn là điều rất quan trọng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Những sản phẩm nông nghiệp đang dần thích ứng với thị trường quốc tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng thành công lớn nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta thời gian qua là các ngành cùng tham gia. Nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu từ khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Cả ba khu vực này đều đóng góp rất lớn. Lĩnh vực nông nghiệp nhìn thấy tái cơ cấu rất rõ, nó không dừng lại ở khu vực sản xuất để cung cấp thị trường trong nước mà đã có những sản phẩm thích ứng với khả năng tiếp cận của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Đầu tư công thời gian tới cần trọng tâm, trọng điểm để khắc phục những hạn chế, thiếu xót khi đầu tư, nhất là những dự án có tính khả thi.
Đại biểu Bế Minh Đức: Đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối giữa các vùng miền
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Thực hiện Nghị quyết 100 của Quốc hội, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia 2016-2020 trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi thấy chương trình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong thời gian tới, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi, vùng khó khăn nhiều hơn nữa. Ưu tiên hơn về nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện kết nối giữa các vùng miền, giao thương hàng hóa.
Đại biểu Đỗ Thị Lan: Mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Tôi mong muốn có các nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn lực khác để làm sao thực hiện được các mục tiêu đặt ra cho các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó thực hiện tốt hơn nữa các chính sách cho vùng dân tộc miền núi, nhất là ngân sách của Nhà nước cần bố trí đủ theo mục tiêu đã đề ra. Cần đồng bộ các giải pháp sử dụng nguồn lực cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó Quốc hội cần quan tâm những dự án có tính chất lan tỏa và thúc đẩy nền kinh tế phát triên, tập trung đầu tư vào các công trình an sinh xã hội, có nhiều chính sách đối với vùng sâu, vùng xa./.