Cả nước vẫn thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp so với định mức giáo viên/lớp theo quy định
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương và diễn ra từ vài năm trở lại đây. Đáng chú ý, trong năm nay, riêng bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. Cụ thể, Cấp Trung học cơ sở thiếu cục bộ 10.140 giáo viên ở một số địa phương nhưng cả nước lại thừa 12.165 người. Số giáo viên còn thiếu của Trung học phổ thông là 3.160. Tại các địa phương, nghịch lý thừa, thiếu giáo viên đều có chung một “công thức” đó là đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Thừa, thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong 1 huyện, giữa các huyện trong 1 tỉnh. Theo ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long một trong những nguyễn nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương là do bất cập trong phân cấp tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay xảy ra thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đúng là hiện nay chúng ta xảy ra thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tức là nơi thì thiếu giáo viên nơi lại thừa giáo viên, cấp thì thiếu cấp thì thừa. Đặc biệt, theo thống kê thì cả nước vẫn thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp, tập trung chủ yếu vào thiếu giáo viên mầm non. Đây là một nghịch lý hiện nay và rõ ràng việc thừa thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học. Vậy tại sao lại thừa tại sao lại thiếu thì một phần do các quy định về định biên nhưng khi phân tích sâu có thể thấy: trước đây cấp học mầm non đã được đưa ra ngoài hệ thống giáo dục công lập nhưng những năm gần đây chủ trương đưa trở lại bậc học này và tuyển trở lại vào biên chế đội ngũ giáo viên mầm non. Chính việc chuyển đổi lại như vậy cùng với việc thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi nên giáo viên cấp học này thiếu. Đối với giáo viên các bậc học trên đặc biệt là bậc trung học lại thừa do quy định về định biên, do biến động về số lượng học sinh, có lúc chúng ta cũng tuyển dụng nhiều dẫn đến thừa tại 1 số bậc học, cấp học. Cùng với đó, việc xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả nên bị động trong bố trí số lượng người dạy, gây thừa thiếu cục bộ.
Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy những bất cập trong quy định về tuyển dụng giáo viên hiện nay là gì?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Ngành giáo dục là cơ quan chuyên môn trực tiếp tổ chức trường lớp, giảng dạy, quản lý học sinh thế nhưng lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, không thể điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên hiện nay thuộc ngành Nội vụ và thuộc Ủy ban nhân dân các cấp. Vì vậy, trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên có sự phối hợp ít nhất là 3 cơ quan gồm: ngành giáo dục, ngành nội vụ và Ủy ban nhân dân các địa phương. Chính trong quá trình phối hợp như vậy phần nào ảnh hưởng đến việc xác định chỉ tiêu cũng như việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, khi ngành giáo dục không có thẩm quyền một cách trọn vẹn đối với đội ngũ giáo viên của mình thì rất bị động trong việc sử dụng cũng như tuyển bổ sung mới và có những điều chỉnh biên chế trong ngành. Câu chuyện phối hợp giữa nhiều cơ quan mà bản thân cơ quan trực tiếp sử dụng đội ngũ giáo viên lại không có thẩm quyền trọn vẹn trong cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ. Đây là bất cập, vướng mắc lớn trong công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Như đã phân tích ở trên, hiện nay việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên đặc biệt là đội ngũ giáo viên từ cấp trung học cơ sở trở xuống có sự phối hợp bởi 3 cơ quan khác nhau đó là ngành giáo dục, ngành nội vụ và ủy ban nhân dân tại địa phương. Vì vậy có sự chồng chéo, sự phối hợp không chặt chẽ nên không xử lý được kịp thời việc thừa thiếu giáo viên và việc tuyển dụng cũng không sát nhu cầu thực tế. Do đó, có hai vấn đề cần phải quan tâm là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, phân công hợp lý hơn trong tuyển dụng giữa 3 cơ quan đồng thời chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong quá trình tuyển dụng.
Phóng viên: Để việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên có hiệu quả, tránh tình trạng mất cân đối giữa các ngành học và các cơ sở giáo dục hay các địa phương thì đại biểu có những đề xuất, kiến nghị gì?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Hiện nay tình trạng tuyển dụng đội ngũ giáo viên có hiện tượng cắt khúc, như cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông là do Ủy ban cấp tỉnh và giao cho Sở giáo dục đào tạo tuyển dụng và sử dụng nhưng đối với đội ngũ giáo viên ở cấp trung học cơ sở trở xuống thì lại do ngành nội vụ quản lý và ngành nội vụ lại phân cấp cho các ủy ban nhân dân cấp quận, huyện tuyển dụng và sử dụng. Vì vậy giải pháp căn cơ chúng ta cần có sự phân công hợp lý hơn, cụ thể: giao thẩm quyền đầy đủ hơn cho ngành giáo dục với tư cách là đơn vị chuyên môn trực tiếp sử dụng đôi ngũ giáo viên gắn với việc tuyển dụng thì sẽ kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, trước mắt thì cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị đồng thời tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm. Tiếp đó, về lâu dài nếu xây dựng 1 bộ luật riêng tạm gọi là luật Nhà giáo và có phân cấp rõ hơn trách nhiệm của ngành giáo dục thì tôi nghĩ có thể giải quyết được triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!