Ngư dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về khai thác hải sản
Quy định trong Chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU) được EC ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá trái quy định của IUU sẽ bị phạt "thẻ vàng" cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp những quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận "thẻ đỏ", đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.
Ngày 23/10/2017 EC đã quyết định rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong Chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Tháng 5/2018, các đoàn công tác của EC sang Việt Nam để làm việc, kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn hành vi khai thác hải sản trái phép. Tuy nhiên, EC vẫn chưa rút Thẻ vàng đối với Việt Nam bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu đã bị chững lại. Chiếc “thẻ vàng” mà EC áp dụng với thủy sản Việt Nam đã kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018. Nếu như năm 2017, EU vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt gần 1,46 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2016 thì đến hết tháng 6/2018, xuất khẩu thủy sản vào EU chỉ đạt 584 triệu USD, đứng thứ 4 trong nhóm các thị trường tiêu thụ chính của nước ta.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những hệ lụy khi hải sản Việt Nam bị rút thẻ vàng không chỉ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mà còn giảm uy tín và thương hiệu của ngành hải sản nước ta trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu...
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nguyên nhân khiến EC rút thẻ vàng đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam do công tác quản lý khai thác thuỷ sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EC về IUU. Đó là việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong khai thác còn thấp và chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế. Nếu những tồn tại bất cập này không được khắc phục thì đến tháng 1/2019, Việt Nam có thể bị EC rút “Thẻ đỏ” đối với mặt hàng xuất khẩu hải sản. Điều này đồng nghĩa với việc hải sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng là EU, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có gần 110.000 tàu cá đánh bắt hải sản, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Như vậy, số lượng tàu cần lắp các thiết bị định vị vệ tinh còn rất lớn nhưng đang thiếu kinh phí thực hiện. Đó là chưa kể, ngư dân Việt Nam chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác và hiện cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như bắt buộc đối với ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký. Điều này dẫn đến việc xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản còn nhiều sai sót. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã xảy ra 44 vụ với 75 tàu cá và 482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Ngày 16 tháng 1 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Trong đó nêu rõ lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm hoàn thiện văn bản chính sách pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật của người dân. Đặc biệt, Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp. Đồng thời, quy định, phân cấp trong công tác quản lý đối với sản phẩm thủy hải có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp; xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế.
Bài học kinh nghiệm của 10 nước trên thế giới đã được EC gỡ “Thẻ vàng” và 3 nước đã được EC gỡ “Thẻ đỏ” cho thấy, các nước này đã đầu tư nguồn lực rất lớn và thậm chí thực hiện cải tổ bộ máy quản lý về thủy sản (như Philippines đã đầu tư khoảng 10 triệu USD từ năm 2014 đến năm 2015 và cải tổ bộ máy để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC). Hiện nay còn 9 nước chưa gỡ được Thẻ vàng và 3 nước chưa gỡ được Thẻ đỏ, trong đó Thái Lan đã đầu tư khoảng 13 triệu EURO từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được Thẻ vàng. Còn tại Việt Nam, để gỡ thẻ vàng EU không phải là nhiệm vụ dễ dàng, bởi vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề truy xuất nguồn gốc và khâu kiểm soát, quản lý nhà nước. Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh việc nhận “Thẻ đỏ” từ EC tuy nhiên, đến năm 2019 luật mới có hiệu lực.
Theo Kế hoạch tháng 01/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục “Thẻ vàng” đối với Việt Nam. Như vậy, trong thời điểm hiện nay, việc gỡ "thẻ vàng" xuất khẩu thủy sản vừa là yêu cầu cấp bách, nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Vậy những biện pháp cần thiết mà Việt Nam cần triển khai lúc này để thực hiện các cam kết cũng như yêu cầu của EU như thế nào.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Thưa đại biểu, việc Ủy ban Châu Âu rút thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu sang thị trường EU đã cho thấy nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý về hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Ông Trương Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi cho rẳng, việc EC rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam đã tạo ra nhiều bất lợi cho lĩnh vực khai thác và xuất khẩu hải sản. Điều này gây không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, mà còn gây ra không ít khó khăn cho ngư dân trong việc duy trì hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, bởi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Cao Sỹ Kiêm nhận định, việc EC rút thẻ vàng đối với Việt Nam là do vi phạm các quy định về khai thác hải sản.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Theo tôi, vấn đề quản lý, nhận thức vẫn là khâu yếu nhất. Mặc dù chúng ta đã đưa ra các biện pháp đáp ứng các yêu cầu của EC đưa ra, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tiễn lại chậm. Do vậy, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta bị EC cảnh cáo bằng cách rút thẻ vàng. Mặc dù EC đã dành cho chúng ta 6 tháng để chuẩn bị các bước để thực hiện quy định về đánh bắt, chế biến hải sản nhưng chúng ta vẫn chưa đáp ứng được các quy định này. Tôi cho rằng, việc vi phạm các quy định này chủ yếu do khâu chấp hành chưa nghiêm.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Nếu chúng ta cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, thực hiện đúng quy trình đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản mà EC đặt ra, cũng như các quy định của luật pháp quốc tế thì sau này thị trường tiêu thụ hải sản của Việt Nam không chỉ EU, mà còn các thị trường khó tính khác trên thế giới. Khi đó chúng ta sẽ xây dựng được thương hiệu hải sản nổi tiếng trên thế giới. Do vậy, ngay lúc này, chúng ta cần khẩn trương thực hiện các quy định mà EC đặt ra. Bởi không chỉ có EC đưa ra những cảnh báo về quy trình đánh bắt hải sản của Việt Nam, mà các thị trường khó tính khác cũng đã có những khuyến cáo về việc khai thác và chế biến hải sản của Việt Nam. Do vậy, cơ quan chức năng cần tuyên truyền tích cực cho ngư dân khai thác hải sản, các công ty xuất khẩu hải sản, giúp họ nâng cao nhận thức về khai thác, đánh bắt hải sản bền vững.
Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, không chỉ có EC đưa ra những cảnh báo về quy trình đánh bắt hải sản của Việt Nam, mà các thị trường khó tính khác cũng đã có những khuyến cáo về việc khai thác và chế biến hải sản của Việt Nam.
Phóng viên: Để gỡ thẻ vàng thì từ nay đến tháng 1/2019, Chính phủ, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương của Việt Nam cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như thế nào?
Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Theo tôi, biện pháp đầu tiên là giáo dục đầy đủ cho ngư dân về sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật cũng như các quy định quốc tế về khai thác hải sản. Bên cạnh đó bổ sung chế tài kiểm tra, giám sát để ngư dân thực hiện đúng cam kết và các quy định quốc tế; đồng thời cần xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền tới ngư dân về quy định đánh bắt hải sản; hỗ trợ ngư dân đầu tư các trang bị thiết bị phục vụ công tác quản lý vị trí khai thác của ngư dân, tránh tình trạng ngư dân vi phạm lãnh hải quốc tế. Bên cạnh đó tiếp thu các ý kiến, góp ý của EC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình khai thác, chế biến hải sản theo hướng bền vững và đảm bảo an toàn.
Ông Trương Minh Hoàng, ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, ngư dân cần nâng cao ý thức tuân thủ các quy định khai thác, đánh bắt hải sản.
Ông Trương Minh Hoàng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi hoan nghênh Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua đã có những hành động tích cực, quyết liệt để gỡ thẻ vàng EC. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền; tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức người dân thực hiện các quy định của EC. Tôi tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực này thì sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tôi cũng mong muốn mỗi ngư dân khai thác hải sản trên biển cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, bởi việc tuân thủ các quy định khai thác, đánh bắt cá không chỉ có lợi cho mình mà cho cả quốc gia, dân tộc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!