ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẦN ĐƯA RA NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỂ VIỆT NAM CÓ THỂ THÍCH ỨNG VỚI SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI

26/10/2018

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp để Việt Nam có thể thích ứng được với sự biến động của thế giới, vừa chớp được cơ hội vừa ngăn chặn được các tác động bất lợi.

Điểm sáng ấn tượng trong bức tranh kinh tế năm 2018 là 12/12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém trong nội tại nền Kinh tế để Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có phương án chỉ đạo, giải quyết trong thời gian tới.

Có thể nói, những nội dung thảo luận của các đại biểu Quốc hội sáng nay đều cho thấy bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng. Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các năm tiếp theo. Tuy vậy, nhiều hạn chế trong thực hiện phát triển Kinh tế xã hội vẫn còn là thách thức trong thời gian tới.

Bên lề kỳ họp, Phóng viên Cổng thông tin điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Phóng viên: Kết quả nổi bật về Kinh tế trong 9 tháng qua là tăng trưởng GDP đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Vậy theo đại biểu, những yếu tố chủ chốt nào đã tạo ra mức tăng trưởng kinh tế như vậy?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Sự tăng trưởng kinh tế năm 2018 rất ấn tượng so với các năm trước. Đóng góp vào sự tăng trưởng này nằm ở 3 lĩnh vực: Thứ nhất là ngành chế biến chế tạo đã có những bước tiến mới và có đóng góp lớn trong sự tăng trưởng của nước ta. Thứ hai phải kể đến ngành dịch vụ, năm 2018 tuy tốc độ tăng trưởng của ngành không được vượt trội so với năm 2017, nhưng thành công của ngành dịch vụ trong năm nay là tạo được một thị trường trong nước tương đối ổn định. Chính vì có một thị trường ổn định nên hàng hóa sản phẩm của những ngành sản xuất trong nước được thị trường chập nhận dẫn đến thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho nền tảng tăng trưởng vũng chắc. Thứ ba là sự tăng trưởng đột phá của ngành nông nghiệp 3,67%. Có lẽ đây là con số rất hiếm khi ngành nông nghiệp đạt được. Từ trước đến nay, ngành nông nghiệp luôn diễn ra một kịch bản “được mùa - mất giá”, thì sang năm 2018 tình trạng này đã giảm đi rất nhiều. Ngày nay đã có rất nhiều mặt hàng nông sản “được mùa – được giá” và có chỗ đứng trong thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2018 chính là dấu ấn quan trọng, tạo đà giúp sự tăng trưởng nội tại của nền kinh tế trong những năm tiếp theo của nước ta.

Phóng viên: Thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng chỉ ra tính tự chủ, ổn định của nền kinh tế  còn hạn chế. Vậy theo đại biểu, những bất cập, hạn chế chính trong nội tại nền kinh tế nước ta là gì?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Tăng trưởng tuy khả quan nhưng đánh giá về tính tự chủ và khả năng chống đỡ nền kinh tế so với tác động bên ngoài thì đáng báo động. Cụ thể:

Thứ nhất, nước ta đang phụ thuộc tăng trưởng vào nền công nghiệp chế tạo chế biến, đây là ngành phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Hoạt động FDI 70% chủ yếu nằm tại xuất nhập khẩu, phụ thuộc vào những yếu tố bền ngoài. Do vậy, bất kì tác động nào tới FDI, hay môi trường bên ngoài liên quan tới hoạt động của FDI thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Thứ hai, khu vực doanh nghiệp tư nhân được đánh giá là động lực chính, đóng góp chính vào tổng giá trị GDP, tuy nhiên năng lực thực sự của doanh nghiệp hiện nay rất yếu. Hiện nay, 53% doanh nghiệp tư nhân hoạt động không có lãi, do vậy phần đó không có đóng góp, thậm chí một số phải rời bỏ thị trường. Điều này cho thấy năng lực nội tại của nền kinh tế chưa phát huy được. Việc doanh nghiệp tư nhân chưa khẳng định được chỗ đứng do thiếu khả năng cạnh tranh dựa vào công nghệ, kỹ thuật và những yếu tố dựa vào kết nối trong bối cảnh phát triển nền công nghiệp 4.0

Phóng viên: Theo đại biểu, để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, trong đó GDP đặt mục tiêu tăng từ 6,6-6,8% trong năm 2019, Chính phủ cần có những giải pháp mang tính then chốt nào?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Để đạt được mục tiêu đó, đầu tiên Chính phủ cần theo đổi ổn định kinh tế vĩ mô, khống chế lạm phát, điều hành tỷ giá linh hoạt, không quá cứng nhắc nhưng không để bị tác động của tiền tệ thế giới. Tiếp tục cải cách thể chế, môi trường, tạo điền kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp. Dài hạn hơn, phải nhìn đến tác động của cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là cơ hội mở ra khi nước ta đang hội nhập rất sâu với các thỏa thuận quốc tế mới, trong đó có CPTPP… Do vậy, Chính phủ phải đưa ra những giải pháp để Việt Nam có thể thích ứng được với sự biến động của thế giới, vừa chớp được cơ hội vừa ngăn chặn được các tác động bất lợi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Mai Trang