Bộ Tư pháp công bố 5.600 văn bản trái pháp luật
Vừa qua, Bộ Tư Pháp công bố một thông tin khiến dư luận bàng hoàng đó là đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật trong quá trình kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành. Trong đó, có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội khiến dư luận bức xúc.
Ngoài ra, trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.Trong đó có 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh. Đây chủ yếu là văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế.
Ông Đặng Quang Phương – Nguyên Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết: "Với con số đó có phải số thực sự ở trên số lượng của bộ tư pháp nhận được, hay số lượng bộ Tư pháp đã kiểm tra, hai cái này là khác nhau. Về nguyên tắc, các cơ quan ban hành xong phải gửi về Bộ Tư pháp thấm tra, kiểm định. Tôi sợ rằng từ các nguồn thông tin văn bản đó, ví dụ cơ quan quản lý nhà nước khác họ thấy không đúng, người ta không đồng ý về cái đó hoặc người dân hoặc doanh nghiệp phản ứng vấn đề của cơ quan nhà nước cho nên người ta phản ứng. Qua phản ứng thì Bộ Tư pháp kiểm tra và thổi còi thì tức là đã có sai lầm".
Theo điều 34 của Nghị định Số 40/2010 về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật quy định. Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật. Trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Thế nhưng cho đến nay, dường như chưa có bất cứ “tác giả” nào phải chịu trách nhiệm về sự sai phạm này. Cổng thông tin điện tử quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa Đại biểu, Bộ Tư Pháp vừa mới công bố có tới 5.600 văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương ban hành đã được phát hiện trong thời gian qua. Đại biểu đánh giá như thế nào trước con số này?
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Theo tôi, Chính phủ nên giao cho cơ quan chức năng đánh giá thử xem là 5.600 văn bản trái pháp luật thì nó ảnh hưởng lớn như thế nào và gây hệ lụy ra sao? Để có thể tìm ra nguyên nhân rõ ràng sai đúng thế nào? Để xử lý những người làm sai, để từ giờ về sau không có những cái chuyện đó quá lớn. Một hai văn bản sai còn chấp nhận được, 5600 văn bản sai phạm là con số quá lớn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Số lượng văn bản sai phạm là khi ban hành văn bản không rà soát, không nắm được. Sai sót những văn bản này hoặc là hủy hoặc sửa chữa lại văn bản. Lỗi trong quá trình thực hiện, có thể không phải do cố tình mà do quá trình ban hành không nắm được nó có trái với những văn bản khác hay không, cho nên thường là văn bản này do Bộ tư pháp phát hiện nêu ra.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Đường lối sai thực tiễn sẽ sai. Tôi không quan tâm số lượng văn bản sai mà tôi quan tâm chúng ta xử lý thế nào những người làm sai? Trong lúc đang nói về tinh giản biên chế, phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ thì phải đi cùng trách nhiệm điều đó hết sức quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Tôi thấy rằng vấn đề này không phải chúng ta không nhìn thấy mà nhìn thấy rất rõ. Hai năm nay đều có cuộc họp đại biểu Quốc hội chuyên trách với Chính phủ về tiến độ xây dựng luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ cái đồng bộ đấy rõ ràng là ảnh hưởng tới cái hiệu quả của luật bởi ban hành ra mà nó không đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Mặc dù đã phát hiện ra 5.600 văn bản trái Luật, tuy nhiên cho đến nay chưa có bất cứ "tác giả" nào phải chịu trách nhiệm. Theo Đại biểu thì điều này phản ánh thực trạng gì và giải pháp nào cho vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Rõ ràng, nếu không có sự đồng lõa hoặc sự vô trách nhiệm hoặc thiếu năng lực của quan chức thì không có hiện tượng sai phạm ấy, cuối cùng chỉ có người dân chịu thiệt trong đó có cả những doanh nghiệp. Quá lắm là xử lý nội bộ. Mà những xử lý đó chắc chắn người dân cho rằng chỉ làm tăng thêm sự thiếu trách nhiệm mà thôi.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Nhiều vị nói là tôi xin chịu trách nhiệm, nhưng câu chuyện của nó là hình thức trách nhiệm là gì? Cảnh cáo hay thôi chức? Đừng chỉ nói "tôi xin chịu trách nhiệm" mà nói là "tôi xin chịu trách nhiệm với hình thức gì?. Bởi trách nhiệm pháp lý ở đây có hình thức, hình thức kỷ luật, hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, hình thức bồi thường... đấy là hình thức của trách nhiệm pháp lý.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Quá trình thực hiện không thống nhất sẽ phát sinh những mâu thuẫn không đồng nhất về các văn bản, khó khăn trong quá trình thực hiện tổ chức ban hành các văn bản. Nhắc nhở các cơ quan ban hành văn bản trước khi ban hành phải rà soát kiểm tra và khi ban hành văn bản phải rút kinh nghiệm đừng để những sai sót xảy ra.
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Bộ Tư pháp coi như "người gác cổng" về mặt văn bản quy phạm, các bộ - có thể cấp dưới sai, thì "người gác cổng" phải "thổi còi". Tôi cũng có thể thông cảm với Bộ Tư pháp rằng, người thì ít nhưng văn bản nhiều, việc nhiều nhưng Bộ nào cũng kêu như thế, các đồng chí Bộ trưởng nhận nhiệm vụ của bộ mình thì đã biết thực trạng của Bộ, các đồng chí đều nhận và đều hứa. Cho nên chắc chắn Bộ Tư pháp phải nhận trách nhiệm, không vì một lý do nào. Bộ để như vậy là lỗi của Bộ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu!