Theo báo cáo về dân số Việt Nam, từ năm 2007 nước ta đã bước vào thời kỳ “dân số vàng”, với tỉ lệ dân số tuổi 16 - 24 đang cao nhất trong lịch sử nước ta, chiếm 40% tổng dân số cả nước. Tuy nhiên, có nhiều nhận định cho rằng, mức độ quan tâm và sự hiểu biết của giới trẻ đối với chính trị nói chung và hoạt động nội chính nói riêng còn rất hạn chế. Mặc dù với sự phát triển của công nghệ, giới trẻ có thể tiếp cận nhanh chóng nhiều nguồn thông tin, nhưng cách thức tiếp cận còn rất thụ động. Nhiều bạn trẻ chủ yếu đọc báo qua những bài được chia trẻ trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng cụ thể, thay vì chủ động tiếp cận tới các nguồn tin chính thức, tạo ra những hệ lụy khôn lường cho tình hình an ninh xã hội. Chính những thay đổi trong văn hóa và thói quen này đã một phần dẫn đến xu hướng thờ ơ của một bộ phận giới trẻ đối với đời sống chính trị của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Theo Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, thực tế rất đáng lo ngại, hiện có một số thanh niên còn có thái độ thờ ơ với hoạt động chính trị của đất nước. Tại địa phương, nhiều cuộc họp tổ dân số diễn ra với phần lớn các thành viên chỉ là người trung niên và cao tuổi. Những hoạt động mà người trẻ tham gia, có một bộ phận người trẻ không quan tâm xem lá phiếu trên tay mình cầm là những ứng cử viên nào...
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã phản ánh: "Một bộ phận lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức v.v... đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động. Nếu chúng ta phát huy những mặt tích cực triệt tiêu các mặt tiêu cực, các xu thế sẽ là những dòng thác không gì ngăn cản nổi."
Ông Lê Công Hạnh, Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cũng cho rằng hiện nay rất nhiều bạn trẻ thờ ơ với thông tin chính trị, xem đó là thông tin nhàm chán. Với những thông tin chính trị đăng trên báo giấy như báo Nhân dân, báo của Đảng hay Công an Thủ đô… thì tôi nghĩ rằng gần như các bạn trẻ không thích đọc.
Điều 28, Hiến pháp 2013 đã quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.” Tuy nhiên, mục 3 cũng quy định rõ “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Nhưng để giới trẻ cũng như toàn dân nói chung tham gia vào đời sống dân sự, đời sống chính trị thì các tổ chức chính trị - xã hội phải thể hiện được sự cầu thị, sẵn sàng nghe và tiếp thu quan điểm để họ không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Giới trẻ có quan tâm nhưng chưa sâu, vì vậy cũng cần phải đổi mới cách đưa tin so với hiện nay để thông tin hấp dẫn ngiới trẻ hơn. Ngoài ra, tại trường học, phải xây dựng cách tiếp cận tự nhiên, phù hợp với giới trẻ chứ không nên ép học sinh học. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể nên trao cơ hội tiếp cận với các hoạt động chính trị cho các bạn trẻ để họ được tham gia tiếng nói nhiều hơn.
Lớp học trải nghiệm tại Nhà Quốc hội
Là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, hoạt động giáo dục về Quốc hội đã được triển khai thực hiện trong những năm trước đây thông qua việc tổ chức cho học sinh các trường vào dự thính phiên họp toàn thể Quốc hội, tham quan Phòng Truyền thống Quốc hội, nghe các đại biểu Quốc hội nói chuyện về Quốc hội... Tham gia vào lớp học giáo dục trải nghiệm, các em học sinh đều cho rằng: lớp học là một trải nghiệm bổ ích, gíup bản thân hiểu được cách thức hoạt động của Quốc hội. Buổi học giúp bản thân các em có thêm sự tự tin và mong muốn những lớp học như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức thêm nhiều lần nữa.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Đại biểu Quốc hội khoá XIII
Hy vọng, với chương trình hoạt động giáo dục này, hình ảnh của Quốc hội sẽ gần gũi hơn với cử tri đặc biệt là giới trẻ. Qua đó, tạo diễn đàn để giới trẻ đưa ra ý kiến, đề xuất của mình khi đóng vai đại biểu Quốc hội trẻ; tạo sự kết nối giữa các sinh viên với Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam; từng bước đưa hoạt động “Quốc hội trẻ Việt Nam” thành một nội dung thường xuyên trong chương trình giáo dục về Quốc hội cho thế hệ trẻ.
Vậy đâu là nguyên nhân về thái độ thờ ơ của một bộ phận lớp trẻ với chính trị của đất nước? Giải pháp nào giúp tăng cường sự tham gia của lớp trẻ vào với đời sống chính trị? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, giải pháp nào cho sự bàng quang đối với hoạt động chính trị của một bộ phận giới trẻ hiện nay?
Đại biểu Vũ Mão – Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, XI: Giới trẻ hiện nay học vấn cao, trình độ tốt, thông minh và nhanh nhẹn không hề kém các thế hệ trước. Vậy tại sao họ lại thờ ơ với chính trị? Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo. Phải làm sao cho thế hệ trẻ hiểu được sâu xa về ý nghĩa đó. Phải cho thế hệ trẻ biết là chúng ta còn khó, để cho mọi người đồng tâm đi lên, cùng cố gắng.Người trẻ đang muốn gì? Và phải tạo điều kiện cho thế hệ trẻ ngày hôm nay. Đó là trách nhiệm của thế hệ ngày hôm qua, mà hôm nay đang giữ cương vị lãnh đạo.
Đại biểu Vũ Mão – Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, XI
Đại biểu Nguyễn Quốc Thước – Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X: Đảng, nhà nước phải nghe thanh niên nói, đối thoại với thanh niên, họ khát vọng lắm. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên phải phát huy được vai trò, động lực của mình để khơi dậy tấm lòng, nhiệt huyết của thanh niên. Phải khơi dậy khát vọng yêu nước của thanh niên, từ đó mới khắc phục được tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Quốc Thước – Đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu Quốc hội Khó XIII: Chúng ta cần tiếp tục ra và hoàn thiện các dự luật để làm sao định hướng cho lớp trẻ năng động, sáng tạo, khát vọng và trách nhiệm với đất nước là cần thiết. Đi vào trọng tâm các vấn đề hiện nay mà thanh niên mong muốn. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Và quan trọng, phải khơi dậy lòng yêu nước đối với thanh niên hiện nay.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu Quốc hội Khó XIII
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!