ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CẦN GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

12/10/2018

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện trẻ em gái vẫn là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, bị tước đoạt các quyền và cơ hội trong cuộc sống do bất bình đẳng giới gây ra. Một thực trạng còn gây nhức nhối trong xã hội hiện nay là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

 Việt Nam tiếp tục mất cân bằng giới tính khi sinh và dự báo sẽ để lại nhiều hệ lụy

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sau một năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2020, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam thay đổi không đáng kể. Hiện nay, vẫn có 45 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh tăng và ở mức cao đáng báo động từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, tỷ lệ chênh lệch giữa bé trai và bé gái đã thành khoảng cách nhất định làm thay đổi cơ cấu dân số.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc dân số, cấu trúc gia đình, thiếu hụt lao động ở những ngành nghề đặc thù,... Nghiêm trọng hơn, khi thế hệ trẻ em sinh ra hiện nay khi bước vào độ tuổi kết hôn (ở Việt Nam thời điểm này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2025 đến 2030). Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm cho bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng, tỷ lệ tội phạm liên quan đến tình dục sẽ ngày càng cao hơn và nạn buôn bán phụ nữ sẽ ngày càng nhiều. 

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập - nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, tâm lý kỳ vọng vào vai trò, vị trí của con trai trong gia đình đã ăn sâu vào tâm lý người Việt. Điều nay khiến cho quyền của trẻ em gái bị xâm hại nghiêm trọng, các em bị từ chối ngay từ khi còn phôi thai. Bên cạnh đó, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con, cùng với việc người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán cũng là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật – Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập

Mặc dù trên thực tế đã có quy định về xử phạt đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi tại Điều 9, Nghị định số 114 của Chính phủ ban hành ngày 03/10/2006 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra xử lý rất khó khăn.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội - cho rằng, nhu cầu có con trai có từ xa xưa, nhưng chỉ đến ngày nay, bằng việc lạm dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để can thiệp vào quá trình mang thai, phần nào đã trực tiếp gây nên tình trạng mất cân bằng. Việc thanh tra, xử lý vấn đề này trên thực tế được triển khai nhưng kết quả còn rất hạn chế. Vì vậy, đòi hỏi trong dự án Luật Dân số đang được Bộ Y tế chủ trì soạn thảo cần tiếp tục luật hóa quy định này đồng thời bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính khả thi.

Hiện nước ta đang nằm trong nhóm 14 quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Thêm vào đó, dù xuất hiện muộn nhưng tốc độ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang gia tăng rất nhanh, lan rộng từ thành thị đến nông thôn và diễn ra ở khắp 6/6 vùng lãnh thổ trong cả nước. Ở các khu vực phát triển và càng những người có điều kiện kinh tế, tỷ lệ học vấn cao lại càng lựa chọn giới tính khi sinh cao. Tình trạng mất cân bằng giời tính khi sinh nếu không được giảm thiểu sẽ gây ra những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề. Vì vậy, Nghị quyết số 21 của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”.

Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để thực hiện mục tiêu này đồng thời làm sao để nâng cao vị thế, đảm bảo quyền cho trẻ em gái trong xã hội? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, một thực trạng vẫn gây nhức nhối hiện nay là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Đại biểu đánh giá như thế nào về thực trạng này hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo tôi được biết thì hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ ở Việt Nam chúng ta vẫn đang còn tồn tại. Theo các chuyên gia thì vấn đề này đang trầm trọng và tôi thấy đây cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quan niệm trọng nam khinh nữ. Ngoài ra, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay tăng nhanh một phần quan trọng còn do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không được khắc phục sẽ gây ra những hệ lụy gì về mặt kinh tế - xã hội, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Về mặt hệ lụy, mất cân bằng giới tính khi sinh để lại nhiều hệ lụy nhưng tập trung vào một số hệ lụy cơ bản sau. Thứ nhất, bất bình đẳng trong việc đối xử giữa bé trai và bé gái, nhẹ thì xem thường các bé gái nặng hơn nữa thì biệt đãi các bé gái và nghiêm trọng hơn là việc đình chỉ thai nghén. Điều này là vi phạm cả về đạo đức và pháp luật. Thứ hai, mất cân bằng giới tính dẫn đến bất bình đẳng trong sử dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ sau này. Thứ ba, sẽ có một số lượng rất lớn con trai đến tuổi lấy vợ không đủ con gái để xây dựng gia đình. Theo thống kê, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì đến năm 2030 sẽ có hàng triệu đàn ông trong độ tuổi kết hôn không lấy được vợ.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Dân số, trong đó có đề xuất quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Vậy, theo ý kiến của đại biểu, quy định này có phát huy được hiệu quả trên thực tế?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi có dịp được đọc và tham gia thảo luận dự thảo Luật Dân số. Tôi cho rằng, đề xuất này rất tốt, đặc biệt nghiêm cấm trong việc phát hiện giới tính khi bà mẹ đang còn mang thai. Tuy nhiên, tôi cho rằng chỉ quy định thuần túy cấm phát hiện giới tính thai nhi dưới mọi hình thức thì chưa đủ mà cần có chế tài xử lý nghiêm minh. Bên cạnh việc quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì công tác thanh tra, xử lý phải tiến hành thường xuyên đồng thời có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Phóng viên: Thưa đại biểu, bên cạnh quy định của pháp luật dân số, cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính nói riêng cũng như thúc đẩy việc đảm bảo quyền của bé gái, quyền bình đẳng giới nói chung tại Việt Nam hiện nay, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Có nhiều giải pháp nhưng tôi cho rằng có 1 giải pháp quan trọng bậc nhất cần phải hết sức chú ý là truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức. Làm thế nào để mọi người thấy rằng, dù con gái hay con trai thì đều có giá trị như nhau, đều cần thiết như nhau, đều có thể làm nên sự rạng rỡ cho gia đình, dân tộc. Trong xã hội không hiếm gia đình đã có được suy nghĩ như vậy, con gái cũng được con trai cũng được miễn sao là trở thành người có ích cho xã hội. Trong tuyên truyền, giáo dục cần chú trọng giáo dục bằng biện pháp nêu gương. Cụ thể: cần đưa những hình ảnh, câu chuyện về các nhà khoa học, chính khách nữ nổi tiếng để tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong cộng đồng. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ về vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội làm thay đổi nhận thức.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh