ĐBQH NGUYỄN HỮU ĐỨC: VAI TRÒ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO VIỆT NAM?

30/09/2018

Cơ khí chế tạo là ngành công nghiệp quan trọng, được coi là xương sống, là một trong những nền tảng cơ bản để phát triển nền kinh tế quốc gia. Vai trò Bộ Công thương trong việc dẫn dắt ngành cơ khí chế tạo Việt Nam như thế nào? Đây là nội dung chất vấn của ĐBQH Nguyễn Hữu Đức đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vai trò quản lý của ngành trong phát triển ngành cơ khí chế tạo

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2016, đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vai trò của Bộ trong quản lý nhà nước và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam.

Ngày 16/12/2016, hơn 1 tháng sau khi nhận được chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có Công văn số 12122 trả lời đại biểu. Công văn nêu rõ: cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò và vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nhằm định hướng phát triển ngành, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó tập trung ưu tiên phát triển 8 chuyên ngành, sản phẩm cơ khí trọng điểm. Để cụ thể hóa chiến lược này, những năm qua Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quy hoạch phát triển các chuyên ngành cơ khí trọng điểm, như: Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp; Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị điện; Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; Quy hoạch phát triển ngành sản xuất ô tô Việt Nam; Quy hoạch phát triển sản xuất thiết bị xây dựng…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Những đề án quy hoạch phát triển các chuyên ngành cơ khí trọng điểm của Bộ Công Thương đề xuất đã góp phần tích cực cho công tác quản lý nhà nước, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển. Nổi bất là sản xuất, lắp ra ô tô đã có bước tiến đáng kể. Lắp ráp, sản xuất được các loại xe ô tô, xe buýt 80 chỗ chất lượng cao, với tỷ lệ nội địa hóa 55-60%. Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất xe gắn máy đạt 85-95%, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu. Đối với các nhà máy thủy điện, nếu như trước đây Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn các thiết bị cơ khí thủy công, thì đến nay các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có thể đảm nhận.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Bộ Công thương cũng thừa nhận những tồn tại hạn chế trong ngành cơ khí chế tạo. Đó là mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010 đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước vẫn chưa hoàn thành. Đến năm 2015, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất quan trọng này, thời gian tới, Bộ đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó tập trung vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo có tiềm năng và lợi thế phát triển, như cơ khí ô tô, cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế tạo thiết bị điện….

Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tập trung vào các chuyên ngành cơ khí chế tạo như cơ khí ô tô, cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế tạo thiết bị điện…

Cơ khí chế tạo là ngành công nghiệp quan trọng, được coi là xương sống, là một trong những nền tảng cơ bản để phát triển nền kinh tế quốc gia. Bộ Công thương phải làm gì để khẳng định vai trò là người dẫn đường cho ngành cơ khí chế tạo Việt Nam? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về chính sách phát triển ngành cơ khí chế tạo của nước ta. Cụ thể nội dung chất vấn tập trung khía cạnh nào? Đại biểu có hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Trước bối cảnh ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, định hướng phát triển chưa rõ ràng thì tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển ngành cơ khí chế tạo. Sau đó, tôi cũng đã nhận được văn bản trả lời của Bộ trưởng. Tôi cho rằng, những giải pháp mà người đứng đầu Bộ Công thương đưa ra vào thời điểm đó là hợp lý. Đặc biệt, nhiều giải pháp mà bộ trưởng đã đưa ra nhằm hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo phát triển. Trên cơ sở xác định danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm cần đầu tư, và xác định phân khúc thị trường để tập trung dành những sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó (năm 2016) thì giải pháp đưa ra là phù hợp.

Phóng viên:Thưa đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp phát triển ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam, theo đại biểu đánh giá, những giải pháp này liệu đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế?

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Năm 2017, giá trị sản xuất của ngành cơ khí chế tạo tăng khoảng 14,4%, là mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Quý 1/2018 tốc độ tăng trưởng của ngành tương đối cao, khoảng 13,8%, tuy nhiên mức tăng trưởng này mới bù lại sự giảm sút của ngành công nghiệp khai khoáng, cũng là ngành có liên quan đến cơ khí chế tạo. Do đó, để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện hội nhập, tôi thấy rằng cần phải nối dài các giải pháp hơn để ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Phóng viên:Trách nhiệm của các Bộ, Ban ngành liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được xem xét như thế nào trong vấn đề tìm giải pháp để phát triển ngành cơ khí Việt Nam, thưa Đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Lâu nay khi chúng ta đề ra chính sách, luật pháp thì trách nhiệm của người đứng đầu thường được ghi chung chung. Nhưng tôi nghĩ rằng, tới đây khi giao trách nhiệm trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, cùng với việc phân công, phân cấp thì cần đề rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung vai trò của tổ chức ngành nghề đó là Hiệp hội Cơ khí Việt Nam trong chiến lược phát triển của ngành cơ khí.

Phóng viên:Theo đại biểu, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đang tồn tại của ngành cơ khí chế tạo, thì Bộ Công thương cần thực hiện những giải pháp mang tính đột phá nào trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035?

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Theo tôi cần phải xác định ngay từ đầu những cơ chế chính sách nào giúp ngành cơ khí chủ động hội nhập; cơ chế chính sách nào giúp bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với nước ta, ngành cơ khí chế tạo cần có sự bảo hộ, nhưng bảo hộ có trọng tâm, trọng điểm nhưng làm sao để không vi phạm các cam kết quốc tế. Thứ hai là xác định thị phần, cần phân định rõ hơn và xác định rõ thế mạnh của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam là gì để từ đó có chiến lược đầu tư đúng hướng. Thứ ba là có chính sách hỗ trợ về thuế đối với ngành cơ khí chế tạo. Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với dây chuyền nguyên chiếc là 0% nhưng đối với sản phẩm trong nước lại bị áp thuế 5-10%, như vậy rất khó để ngành cơ khí chế tạo có thể phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lan Hương