Hình ảnh tại phiên xét xử Vụ án Vũ Xuân Trường
Cách đây hơn 20 năm, Vụ án Vũ Xuân Trường là một vụ án lớn nhất về ma túy, gây chấn động dư luận trong thập niên 90 của thế kỷ trước, với người cầm đầu đường dây là Vũ Xuân Trường, nguyên là một Đại úy Cảnh sát, thuộc lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy phòng 5, C14. Nhưng thời gian gần đây, hàng loạt các vụ án khác liên quan đến người thực thi pháp luật vi phạm pháp luật đã được các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin như vụ việc: Nguyên Phó phòng Công an tỉnh Đắk Nông lĩnh án 10 năm tù do làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lừa chạy trường để đánh bạc, hay việc Cựu Thiếu tá Công an lừa đảo lĩnh án chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản... khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Mới đây nhất, vụ án đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo rửa tiền với quy mô xuyên quốc gia liên quan tới không ít cán bộ, chiến sỹ, thậm chí có cả cán bộ cấp cao trong ngành công an như ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an cũng đã được phơi bày. Ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với ông Nguyễn Thanh Hoá (sinh năm 1958, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 - Bộ Công an) về tội Tổ chức đánh bạc, quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50 Nguyễn Thanh Hóa
Qua điều tra cho thấy, nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã hợp tác với 02 đối tượng cầm đầu sới bạc là Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam để tổ chức đánh bạc trên mạng. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính lên đến 2.800 tỷ đồng, bên cạnh những tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, 381 tỷ tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 190 tỷ đồng cùng 13 xe ô tô các loại.
Trước sự việc này, người dân đã thể hiện sự bức xúc và xót xa khi những người có chức vụ cao do không tu dưỡng đạo đức đã để đồng tiền làm tha hóa. Đồng thời dư luận cũng bày tỏ sự đồng tình với việc Ban Bí thư yêu cầu xử lý nghiêm minh, kiên quyết vụ án tổ chức đánh bạc, đánh bạc, lừa đảo rửa tiền đã cũng như việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thanh Hóa cùng hơn 80 người khác có liên quan. Những động thái quyết liệt đó chứng tỏ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực với quan điểm không có bất kỳ ngoại lệ, vùng cấm nào.
Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, vừa qua Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá đường dây đánh bạc siêu quốc gia có liên quan đến cựu Cục trưởng Công an C50 Nguyễn Thanh Hóa và một số cán bộ cấp cao trong ngành công an. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X: Khi người tội phạm lại là người giữ cương vị cao trong lực lượng công an, thì nếu không kiên quyết khắc phục, mà tiếp tục để những người như vậy thực thi pháp luật thì pháp luật sẽ không có hiệu quả. Và nếu pháp luật không có hiệu quả thì lợi ích của người dân, của quốc gia sẽ không được bảo đảm.
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Khi cán bộ đã thoái hóa biến chất thì ai cũng có thể vi phạm pháp luật, dù ở bất kỳ cấp bậc, địa vị nào, hay vùng miền nào. Vì vậy, Đảng đã ra Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII, đưa ra nguyên tắc khi đã xử lý vi phạm thì sẽ không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn.
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Có thể nói rằng, nếu một cán bộ mang quân hàm cấp Tướng, Cục trưởng một cơ quan đặc biệt quan trọng của Nhà nước về tội phạm, lại chính là tội phạm tại lĩnh vực họ phụ trách, thì có 2 vấn đề. Thứ nhất liên quan tới việc đạo đức công vụ, đạo đức Cách mạng, cách chấp hành ý thức đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước quá kém cói. Những hành vi như vậy là phản bội lại đường lối, chính sách của Nhà Nước. Vấn đề thứ hai đã bộc lộ công tác quản lý cán bộ, việc sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm những người quan trọng vào nhg vị trí đặc biệt quan trọng của chúng ta có sơ hở.
Phóng viên: Thưa ông, khi cán bộ trong cơ quan phòng chống tội phạm lại chính là người tham gia cầm đầu tổ chức tội phạm đó. Theo ông, để giải quyết triệt để vấn đề này thì đâu là giải pháp hữu hiệu?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X: Công chức nhà nước, cán bộ của Đảng nhất quyết phải đặt đạo đức lên hàng đầu. Mục tiêu con người tham gia vào những vị trí này là để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp phát của người dân. Cho nên đạo đức phải là tiêu chuẩn đầu tiên. Nếu không làm được như vậy, bản thân những người đấy không nên tham gia những công việc đó. Tiếp là, cơ quan tổ chức phải tuyển chọn và giám sát một cách chặt chẽ. Những vị trí vậy phải được thực thi, khảo nghiệm qua cuộc sống, qua thực hành chức trách để dần đề bạt lên. Nếu không có đạo đức công vụ, nghề nghiệp thì không thể phục vụ nhân dân.
Đại biểu Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Những người được nhân dân, Đảng, Chính phủ tin tưởng vào những vị trí trọng trách cao, mà gặp sai lầm là điều rất xót xa. Mất cán bộ, tiền của của dân là một phần nhưng đau nhất là mất niềm tin của người dân. Khi người dân đã mất niềm tin thì rất khó khăn trong việc phát triển bền vững. Chính vì vậy, Bộ chính trị cũng như Trung ương đã chỉ đạo xử lý đến cùng, công khai, minh bạch cho dù người ấy là ai.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Vừa qua Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị về đề án về tổ chức lại hệ thống bộ máy tổ chức cán bộ của Bộ Công an. Tôi mong thông qua việc này, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an cũng sẽ thực hiện một bước thanh lọc, làm trong sạch đội ngũ cán bộ; sắp xếp, tạo cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Đồng thời thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào việc giám sát các hoạt động của chính những cơ quan được giao quyền lực và các công việc đặc biệt.
Phóng viên: Xin cảm ơn các Đại biểu!