ĐBQH NGÔ THỊ MINH - QUẢNG NINH: CHI TIẾT XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014 - 2015?

26/09/2018

Ngày 29/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, về những lý do, giải pháp và thời hạn giải quyết, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2014 - 2015, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 37 của Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh 
 
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
Tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội chưa nhận được danh sách chi tiết, mức độ sai phạm, mức độ xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2014 - 2015. Báo cáo Chính phủ chỉ ra: năm 2014 còn 31 tổ chức, 6 cá nhân; năm 2015 còn 32 tổ chức, 20 cá nhân chưa được xử lý vi phạm trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Đề nghị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cho đại biểu Quốc hội biết lý do, giải pháp và thời hạn giải quyết, xử lý các sai phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 37 của Quốc hội khóa XIV?
 
Phó Thủ tướng Thường trực đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn
  1. Về danh sách chi tiết, mức độ sai phạm, hình thức xử lý
a) Năm 2014: Theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương thì có 640 tổ chức và 1.075 cá nhân vi phạm quản lý, điều hành ngân sách năm 2014, với mức độ sai phạm và hình thức xử lý như sau:
  • Mức độ sai phạm: Chi sai chế, sau khi kiểm tra, thanh tra phát hiện kiến nghị thu hồi số tiền phải nộp vào ngân sách, khắc phục hậu quả.
  • Hình thức xử lý: Đối với tổ chức, kiểm điểm nghiêm khắc 545 tổ chức (do chưa có quy định cụ thể hình thức kỷ luật đối với tập thể), chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc 64 tổ chức. Đối với cá nhân: buộc thôi việc 47 người, cách chức 71 người, giáng chức 07 người, tù giam 12 người, 11 người bị chuyển sang cơ quan điều tra, 11 người bị khai trừ khỏi Đảng; cảnh cáo 53 người, khiển trách 126 người, nghiêm khắc rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả 731 người.
  • Còn lại 31 tổ chức (chiếm 4,95 tổ chức vi phạm) và 06 cá nhân (chiếm 0,6% cá nhân vi phạm) chậm xử lý theo quy định của pháp luật, gồm:
+ Tổ chức: Bộ Công an có 01 tổ chức là tập thể Công an tỉnh Phú Yên đã tổ chức kiểm điểm tập thể làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể Ban Quản lý dự án, đội xây dựng Phòng PH41 thuộc Công an tỉnh Phú Yên bằng hình thức nghiêm túc rút kinh nghiệm; tỉnh Lào Cai có 01 tổ chức là Ban Quản lý chợ Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, đã xử lý hành chính thu hồi ngân sách đầy đủ. Đến nay, các cơ quan chưa có báo cáo xử lý tổ chức vi phạm gồm: tỉnh Tây Ninh: 03 tổ chức; Tp. Hồ Chí Minh: 04 tổ chức; tỉnh Bình Định: 08 tổ chức; tỉnh Hà Nam: 14 tổ chức.
 
+ Cá nhân; Bộ Công an có 02 cá nhân, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tước danh hiệu công an nhân dân của Thiếu tá Phạm Văn Mạnh đội trưởng Đội Hành chính PH41 và Đại úy Trịnh Thị Ngọc Nhung, thủ quỹ Đội Hành chính PH41 thuộc Công an tỉnh Kiên Giang do sửa chữa nâng khống quỹ lương để chiếm đoạt 1,832 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên Huế có 01 cá nhân, đã xử lý điều động ông Lê Văn Tình, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc về đội quản lý đô thị. Đến nay, các cơ quan chưa có báo cáo các cá nhân vi phạm gồm: tỉnh Tây Ninh: 01 cá nhân; tỉnh Sơn La: 01 cá nhân; tỉnh Đồng Tháp: 01 cá nhân.
 
b) Năm 2015: Theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, có 722 tổ chức và 1.126 cá nhân vi phạm đã thực hiện nộp đủ số tiền vào ngân sách theo kiến nghị của kiểm toán và thanh tra trong năm 2016, một số nộp chậm trong quý II và quý III năm 2017.
  • Mức độ sai phạm: Chi sai chế độ, sau khi kiểm tra, thanh tra phát hiện kiến nghị thu hồi số tiền phải nộp vào ngân sách, khắc phục hậu quả.
  • Hình thức kỷ luật: Đối với tổ chức, kiểm điểm nghiêm khắc 631 tổ chức đã làm sai nguyên tắc (do chưa có quy định cụ thể hình thức kỷ luật đối với tập thể), chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc 59 tổ chức. Đối với cá nhân: buộc thôi việc 14 người, cách chức 30 người, giáng chức 04 người, cảnh cáo 104 người, khiển trách 149 người; chuyển sang cơ quan điều tra và xử lý hình sự 24 người; kiểm điểm rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả 781 người.\
  • Còn lại 32 tổ chức (chiến 4,43% tổ chức vi phạm) và 20 cá nhân (chiếm 1,78% cá nhân vi phạm) chậm xử lý theo quy định của pháp luật. Danh sách cụ thể đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 400/TTr-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 kèm Báo cáo số 401/BC-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017; đồng thời, ngày 23 tháng 5 năm 2018 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2244/BNV-CCVC ngày 23 thágn 5 năm 2018 gửi Bộ Tài chính về việc bổ sung danh sách chi tiết tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách năm 2015 để tổng hợp gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này (Phụ lục IV và Phụ lục V kèm theo Công văn số 2244/BNV-CCVC nêu trên).
  1. Về lý do chưa xử lý, giải pháp và thời hạn xử lý vi phạm
a) Lý do chậm xử lý tổ chức, cá nhân
  • Đối với tổ chức: Nguyên nhân chủ yếu do một số tổ chức đã bị giải thể hoặc do thủ trưởng tổ chức sai phạm đã chết, kế toán trưởng chuyển công tác khỏi địa phương hoặc do tổ chức có khiếu nại về kết luận thanh tra, kiểm toán, phải chờ kết quả giải quyết khiếu nại.
  • Đối với cá nhân do chờ quyết định xử lý của tổ chức, do phải chuyển sang cơ quan tố tụng điều tra, truy tố hoặc đã bị bắt tạm giam; một số cá nhân đang điều trị, chữa bệnh (có trường hợp đã bị chết), hoặc một số trường hợp nữ công chức, viên chức vi phạm, đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, có trường hợp nữ bị đề nghị bắt tạm giam nhưng đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không thực hiện kỷ luật buộc thôi việc theo quy định tại Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.
b) Giải pháp và thời hạn xử lý vi phạm
 
Yêu cầu các cấp, các ngành, mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Luật ngân sách Nhà nước năm 2015; tăng cường công tác thanh tra, kiếm toán các tổ chức, cá nhân đã vi phạm để có giải pháp khắc phục hậu quả, thu hồi ngân sách theo đúng thời gian quy định; thời hạn xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm không quá 18 tháng sau khi phát hiện sai phạm theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước năm 2015./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội