CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NGƯỜI CAO TUỔI TRƯỚC NHỮNG BIẾN ĐỘNG VỀ DÂN SỐ

22/09/2018

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng người cao tuổi trong xã hội. Hệ thống chính sách về người cao tuổi được ban hành và đang triển khai thực hiện khá đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay tác động của tình hình già hoá dân số đến việc chăm sóc người cao tuổi đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Số lượng người cao tuổi tăng cao trong khi hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh 

Với tỷ lệ khoảng 10,2% tổng dân số hiện nay ở độ tuổi trên 60 (tức khoảng gần 10 triệu người), nhu cầu của xã hội với các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ người cao tuổi được chăm sóc tốt và có điều kiện để hưởng thụ các dịch vụ an sinh xã hội cho tuổi già. Bà Nguyễn Thị Phương, một trong số những người cao tuổi lựa chọn sống tại Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái, chia sẻ “Tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Trước kia, do hoàn cảnh con cái đi làm xa, vắng nhà thường xuyên nên tôi luôn phải ở nhà một mình. Sau biến cố về sức khỏe, bà quyết định vào viện dưỡng lão để con cháu yên tâm công tác cũng như được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.

Với mức chi trả trung bình cho mỗi người già muốn sống tại các viện dưỡng lão giao động từ khoảng 8-15 triệu đồng thì dường như chỉ những người có mức lương hưu cao hoặc gia đình khá giả mới có điều kiện để sử dụng dịch vụ viện dưỡng lão. Bà Ngô Thị Mận cư trú tại phố Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết “Sống tại viện dưỡng lão rất là tốt, được chăm sóc chu đáo, tận tình. Tuy nhiên không phải cụ nào cũng đủ tiền để đóng phí. Có cụ thương đến nỗi cứ để dành tiền đủ để ở vài tháng thì vào, ở hết tiền lại về vì con cháu không chu cấp, lương các cụ cũng chỉ 2-3 triệu thôi nên không đủ đóng phí”. Do đó, trên thực tế hiện nay chỉ có một tỷ lệ rất hạn chế người cao tuổi được chăm sóc tốt và có điều kiện để hưởng thụ các dịch vụ an sinh xã hội cho tuổi già. Đa phần những người cao tuổi đặc biệt ở khu vực nông thôn đều đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ.

Người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái

 Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt của quy mô dân số già và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 15 năm, ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển. Do vậy, đòi hỏi cần có chính sách phù hợp để ứng phó với già hóa dân số. Theo Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, cho biết: Hiện nay Việt Nam đang là 1 trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và nếu như chúng ta tiếp tục kiểm soát mức sinh thì có lẽ còn nhanh hơn. Già hóa dân số đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề già hóa dân số đó ở góc độ như thế nào là gánh nặng hay cơ hội để có giải pháp ứng phó hiệu quả”.

 Đối với các chính sách về người cao tuổi, Luật Người cao tuổi được Quốc hội ban hành năm 2009 đã thể hiện rõ sự chăm sóc của Nhà nước và toàn xã hội đối với người cao tuổi. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận, trên thực tế vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức trong việc chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt trong giai đoạn già hoá dân số ở nước ta đang bắt đầu diễn ra một cách mạnh mẽ.

Là một chuyên gia nghiên cứu sâu về các vấn đề dân số với các khía cạnh như kinh tế và an sinh xã hội, PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng: Việt Nam có rất nhiều chính sách cho người cao tuổi – từ các chương trình hành động cấp quốc gia tới các Luật, chính sách trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và phấn đấu tăng độ bao phủ của các chương trình này, đặc biệt là bảo hiểm y tế hướng tới bao phủ 100% người cao tuổi vào những năm tới. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong chăm người cao tuổi trước những biến động về dân số, cần tăng cường sự tham gia từ phía cộng đồng, đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa, giảm gánh nặng cho nhà nước.

PGS.TS. Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi. Sự chuyển đổi nhân khẩu này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia, từng địa phương và mỗi gia đình. Vậy cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đồng thời tận dụng được cơ hội của thời kỳ dân số già.

Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng người cao tuổi trong xã hội. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thời gian qua?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Việt Nam chúng ta bắt đầu chuẩn bị hết thời kỳ dân số vàng bắt đầu chuyển sang thời kỳ già hóa dân số. Đây chính là 1 áp lực, thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội. Thứ nhất, khi già hóa dân số sẽ dẫn đến lực lượng lao động của chúng ta bị thiếu hụt. Thứ hai, công tác chăm sóc y tế cho người cao tuổi là 1 nhiệm vụ hết sức nặng nề. Thực tế các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang trải qua thời kỳ này và đây chính là bài học cho đất nước chúng ta. Việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chính là một trong những chức năng, nhiệm vụ của hệ thống an sinh xã hội cho nên cần phải làm sao để bao phủ được tất cả lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội, để sau này có lương hưu.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Việc chăm sóc người cao tuổi là vấn đề hết sức quan trọng. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này. Thực tế, Quốc hội đã ban hành Luật Người cao tuổi, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi. Bên cạnh việc chăm sóc tốt sức khỏe người cao tuổi cũng cần có chính sách để người cao tuổi có thể chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệp quý báu cho thế hệ trẻ.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong hoàn cảnh đất nước của chúng ta với một nền kinh tế chưa thực sự dồi dào nhưng  những năm qua Đảng và Nhà nước đã có chính sách khá hợp lý với người cao tuổi. Điều này thể hiện rõ nhất ở hệ thống bệnh viện lão khoa được tổ chức bài bản. Bên cạnh đó nhiều hoạt động kỷ niệm, tôn vinh cho những người cao tuổi đã được tổ chức. Những kết quả này rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn thì công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn chưa đáp ứng được yêu câu. Trong bối cảnh già hóa dân số công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi càng cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, cần phải có những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dưới tác động mạnh mẽ của quá trình già hoá dân số hiện nay?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Phải chuẩn bị điều kiện để thích ứng với dân số già và cần bắt đầu thực hiện các giải pháp cơ bản để chúng ta đi trước đón đầu. Thứ nhất, phải tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Tập trung vào một số vấn đề như: hệ thống y tế chăm sóc khám chữa bệnh phải có khoa lão khoa để chăm sóc cho người già; chuẩn bị đội ngũ bác sỹ để làm chức năng bác sỹ gia đình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi đối với các bệnh mãn tính, không lây nhiễm. Thứ hai, tạo ra các điều kiện để người cao tuổi được chăm sóc dưỡng sinh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để rèn luyện sức khỏe, tránh sức ì. Thứ ba, tạo cơ hội cho người cao tuổi được tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp với sức khỏe, được tiếp tục cống hiến và chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ trẻ.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa XIII:: Già hóa dân số là một trong những vấn đề mà các quốc gia sẽ phải đối mặt. Tương lai không xa Việt Nam sẽ trở thành 1 nước có tỷ lệ dân số già cao. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã tính toán đến vấn đề này và thấy rằng độ tuổi về hưu như hiện nay là bất hợp lý. Thực tế có rất nhiều người đang trong độ tuổi còn sức khỏe tốt, trình độ kiến thức tốt, mà đã phải nghỉ hưu thì cũng thiệt thòi cho đất nước Vì thế, sẽ từng bước nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động không những trong lĩnh vực công mà cả khối doanh nghiệp tùy theo lĩnh vực công việc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Thứ nhất, vấn đề chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm chung của toàn xã hội mà Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm, thông qua chính sách, chế độ và những quyền lợi mang tính đặc thù dành cho lớp người này. Thứ hai, phải tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mang tính hệ thống: khoa lão khoa được tổ chức ở hầu hết các bệnh viện. Thứ ba, hệ thống nhà dưỡng lão phải rộng khắp ở nhiều nơi để người cao tuổi được tụ họp, chăm sóc. Đồng thời xã hội hóa mạnh mẽ công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng cường sự tham gia của cộng đồng.

Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, không chỉ ngành Dân số kế hoạch hóa gia đình mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

 

 

 

 

Lê Anh