Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa dổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học
tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của nước ta thực hiện đề án thí điểm tự chủ đại học của Chính phủ. Sau 6 năm thực hiện, năm 2017, trường có tỉ lệ cán bộ giảng dạy là tiến sỹ cao nhất trong cả nước với 65%, tỉ lệ thí sinh đầu vào trên 28 điểm chiếm 25%; số bài báo quốc tế có được chỉ số Scopus và ISI tăng gần 60% so với năm 2016. Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội “Tự chủ đại học là xu thế tất yếu của hệ thống giáo dục đại học thế giới nói chung và của hệ thống giáo dục đại học trong nước nói riêng. Ngay từ năm 2011 Bách khoa Hà Nội đã đề xuất và được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Nhà trường được tự quyết định nhiều hoạt động, có cơ chế để huy động tốt hơn các nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời có điều kiện để đổi mới mạnh mẽ mô hình quản trị, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý và điều hành các cấp, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo và nghiên cứu.”
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ đại học
Đến hết năm 2017, cả nước mới chỉ có 23 cơ sở đào tạo đại học trong tổng số gần 500 trường tham gia thí điểm tự chủ đại học. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường Đại học: “Trong cơ chế chính sách về thực hiện tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, rào cản gây khó khăn cho thực tế triển khai”
Xét về mặt cơ chế chính sách, ngay từ năm 2005, quyền tự chủ của trường đại học đã được Luật Giáo dục ghi nhận với nội dung tương tự quan niệm của các nước phát triển. Tiếp đó, Quyền tự chủ được tái khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 với quy định tại Điều 32: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.” . Cụ thể hóa quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục Đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77 ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017. Tuy nhiên, đến nay những trường đại học đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ đại học vẫn đang loay hoay với bài toán tự chủ. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho quá trình tự chủ đại học. Thứ nhất, khung pháp lý chưa tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ.Thứ hai, là nhận thức về tự chủ chưa rõ. Thứ ba, là rào cản về nâng lực, chúng ta chưa xây dựng được hệ thống năng lực phù hợp từ cấp quản lý hệ thống lẫn cấp quản lý của nhà trường để có thể thực hiện được quyền tự chủ.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai thực hiện tự chủ tại các trường đại học cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập từ cách thực hiện, nội dung tự chủ đến nhận thức về thực hiện tự chủ đại học. Bởi vậy, theo GS. Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Đại học Thăng Long, những hạn chế này đòi hỏi quy định về tự chủ đại học cần được luật hóa rõ ràng, cụ thể hơn để tạo cơ sở áp dụng thống nhất hệ thống cơ sở giáo dục đại học “Làm rõ vấn đề liên quan đến nội hàm về tự chủ, tự chủ không phải chỉ tự chủ tài chính mà tự chủ về nhiều mặt; tự chủ còn để mở cửa cho trí tuệ, cho hoạt động khoa học phát triển. Vì vậy, tự chủ đại học cần luật pháp hóa một cách cụ thể, chi tiết hơn để dễ vận dụng trên thực tiễn”
Trước những bất cập này, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vào năm 2018 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tại tờ trình Chính phủ nhấn mạnh, việc mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học là chính sách trọng tâm, then chốt trong việc sửa đổi Luật lần này. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV và tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.
Về vấn đề thực hiện tự chủ đại học hiệu quả chưa cao, quy định điều chỉnh còn nhiều bất cập, và cần sửa đổi, bổ sung quy định về tự chủ đại học như thế nào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến một số đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Phóng viên: Thưa đại biểu, quy định về tự chủ đại học đã có từ lâu. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện tự chủ đại học tại Việt Nam thời gian qua?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niếu, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tự chủ đại học mặc dù đã được quy định trong luật Giáo dục đại học năm 2012 và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện tự chủ đại học nhưng thực tế triển khai chưa được như mong muốn. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ Bộ chủ quản không còn phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ: Tự chủ đại học đã triển khai nhưng còn nhiều vướng mắc từ chính sách cũng như năng lực triển khai của từng trường. Các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ
Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Trong thời gian thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì tự chủ mặc dù đã thực hiện nhưng chưa hiệu quả, chưa đồng bộ còn nhiều bất cập trong triển khai. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay thì dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cần sửa đổi quy định về tự chủ đại học theo hướng như thế nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niếu, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Những vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của giáo dục đại học đã được cơ quan soạn thảo chú ý và đưa vào nhiều hơn, rõ nét hơn cùng với những điều kiện nhất định để thực hiện trong quá trình sửa đổi luật giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên vấn đề tự chủ, tôi cho rằng cần phải có chính sách rõ ràng hơn nữa đặc biệt là về vai trò của cơ quan quản lý; rõ nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức - nhân sự, tài chính và tài sản. Đồng thời, các thiết chế tự chủ trong nhà trường phải được hoàn thiện hơn nữa để các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện được một cách dầy đủ vai trò tự chủ của mình.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ: Để quyền tự chủ phát huy hiệu quả, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Làm rõ khái niệm, điều kiện, nội dung, mức độ và lộ trình tự chủ. Bên cạnh đó, tăng tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cũng phải gắn với thay đổi phương thức quản lý nhà nước về giáo dục đại học, tiếp tục cụ thể các quy định về Hội đồng trường, tạo cơ chế thực thi quyền lực của Hội đồng trường. Trong quá trình sửa đổi cũng cần bảo đảm sự đồng bộ của Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như tính khả thi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học được ban hành.
Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Đại biểu Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Tự chủ là thuộc tính của các trường đại học, tự chủ giúp các trường sáng tạo, phát huy nội lực. Tuy nhiên, tự chủ đại học là quá trình đầy khó khăn, thách thức nên thực hiện tự chủ đại học cần có lộ trình phù hợp. Dự thảo lần này cũng đã giải quyết được khá nhiều vấn đề đang gây ra những điểm nghẽn để phát triển giáo dục đại học, đã tháo gỡ được những nút thắt rất cơ bản mà giáo dục đại học phải làm. Luật hiện hành cũng đã có những quy định nhằm tạo, cơ chế, hành lang pháp lý về tự chủ đại học. Tuy nhiên, những quy định này chưa thấu đáo và đặc biệt nhiều điều khoản về tự chủ đang bị vướng rất nhiều bởi sự chồng chép trong quy định của các luật khác có liên quan. Bởi vậy, lần sửa đổi này phải tháo gỡ được những bất cập này. Bên cạnh đó, dự thảo cũng phải đảm bảo quy định rõ 3 nội dung cơ bản của tự chủ là: tài chính, nhân sự và học thuật.
Trong quá trình phát triển của giáo dục đại học nước ta, tự chủ đại học là một tất yếu, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục đại học thế giới. Hy vọng rằng những vướng mắc, bất cập trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay sẽ được tháo gỡ trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật giáo dục đại học lần này để hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo đại học./.