Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp hỗ trợ dân di cư tự do khu vực Tây Nguyên
Công văn trả lời nêu rõ: Để đảm bảo ổn định và hạn chế tình trạng dân di cư tự do tại các vùng Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam Bộ nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành, cơ quan liên quan tổ chức họp bàn về thực trạng và giải pháp nhằm ổn định tình trạng dân di cư tự do tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Trước đó, ngày 21/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1176 phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao UBND tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh triển khai thực hiện hợp phần ổn định đời sống dân cư theo Quyết định số 923 ngày 28 tháng 6 năm 2017 và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 39 ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 333 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính đề xuất phương án bổ sung vốn cho các dự án di dân thiên tai cấp bách và di dân tự do năm 2016, 2017, trong đó có dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do tại xã Liêng S’rông, huyện Đam Rông; đồng thời trình Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tiếp tục đề xuất dự án sắp xếp dân di cư tự do thôn Đa M’Pô, xã Liêng S’rông, huyện Đam Rông để triển khai thực hiện.
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp giúp dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể nội dung đại biểu chất vấn là gì?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Di dân tự do là quy luật tự nhiên. Bà con dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc không còn đất sản xuất trong khi đó khu vực Tây nguyên là địa bàn với diện tích đất tương đối rộng. Vì vậy từ những năm 2000 trở lại đây, mật độ dân di cư tự do vào các tỉnh Tây nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng ngày càng tăng. Ngoài việc quan tâm đến các chương trình dự án tái định cư cho đồng bào tại chỗ thì Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đang quan tâm tới tái định cư, định canh cho đồng bào di dân tự do, nhưng vẫn còn ở mức độ nhỏ lẻ. Nguồn lực khó khăn của địa phương không thể đáp ứng được, cần chiến lực quốc gia đồng bộ hơn.
Tính đến năm 2016, các tỉnh Tây nguyên còn hơn 9.500 hộ dân di cư tự do còn lại (trong tổng số hơn 23.566 hộ) đang sinh sống phân tán, chưa có dự án để sắp xếp ổn định. Riêng tỉnh Lâm Đồng, dự kiến số hộ cần bố trí sắp xếp, ổn định là gần 3.000 hộ. Trong số đó, có nhiều điểm có đến 100 hộ dân di cư tự do, với 500-600 nhân khẩu đang sinh sống, nhiều nhất là khu vực huyện Đạm Rông, một trong những huyện nghèo của cả nước. Cuộc sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, chưa được định canh, định cư, chưa được hưởng bất kỳ chính sách, chế độ nào về y tế, giáo dục, an sinh xã hội; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tôi đã gửi văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này, giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do sớm ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi rất hài lòng với nội dung trả lời của Thủ tướng. Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn để lập các dự án tái định cư, tái định canh cho đồng bào tại chỗ và đồng bào di dân tự do. Tức là đã triển khai xong các dự án có liên quan đến chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Còn với các chương trình di dân phát sinh mới thì Thủ tướng đang chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Và theo như tôi được biết, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình triển khai chính sách về di dân tự do để giúp cho các địa phương, các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm bảo đảm chương trình tái định cư cho các hộ dân di dân tự do, bảo đảm quyền lợi của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định.
Phóng viên: Mặc dù trong văn bản trả lời, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương triển khai, nhưng qua giám sát trong thực tế đã có chuyển biến như thế nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát lại các chương trình hỗ trợ dân di cư tự do. Sau khi đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc, đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khảo sát tại các tỉnh Tây Nguyên thì hiện nay các văn bản kiến nghị đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, tôi tiếp tục chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này trong năm 2018. Cũng liên quan đến vấn đề dân di cư tự do, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tham gia ngay từ đầu với các đoàn giám sát, đoàn khảo sát và chúng tôi cũng có kiến nghị với Ủy ban Dân tộc, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành chuẩn bị các nội dung để Thủ tướng quyết định các chính sách liên quan đến dân di cư tự do ở khu vực Tây nguyên nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng. Tôi hy vọng, trong năm 2018, chúng ta sẽ có những chuyển biến cụ thể và rõ ràng hơn, đáp ứng mong muốn định canh, định cư của các hộ dân di cư tự do.
Phóng viên: Để dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống, đại biểu có đề xuất giải pháp gì và theo đại biểu trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành được Thủ tướng giao thực hiện bố trí, xắp xếp ổn định dân di cư tự do được nhìn nhận như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chúng ta cần đảm bảo tiếp tục triển khai các chương trình tái định cư, tái định canh cho đồng bào di dân tự do có cuộc sống ổn định. Họ đã đến Tây nguyên từ đầu những năm 2000 nhưng họ không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh nên trẻ em không được đến trường. Việc đầu tư cho các công trình hạ tầng, đáp ứng nhu cầu tối thiếu cho người dân cũng không được thực hiện. Đặc biệt, để thực chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta phải thực hiện tốt việc tái định canh, định cư. Bởi việc giữ rừng rất quan trọng, hậu quả của việc phá rừng thì nghiêm trọng, chúng ta đã phải trả giá rất đắt như thời gian qua. Vì vậy, các bộ, ngành địa phương lập, trình Thủ tướng phê duyệt các phương án đảm bảo tiếp tục định canh định cư để bà con giữ đất, giữ rừng.
Còn về chính sách vĩ mô, tôi cho rằng trên cơ sở báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thủ tướng nên tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá lại chương trình hỗ trợ dân di cư tự do, trong đó phân công và quy rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương nơi dân đi và nơi dân đến để tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!