ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC -TP. HỒ CHÍ MINH: CHỦ TRƯƠNG CHO HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT CỦA NGƯỜI DÂN?

14/09/2018

Ngày 20/6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh về chủ trương trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các công ty cung cấp dịch vụ nước phục vụ đời sống sinh hoạt của con người.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
Chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, đời sống con người cho đến giờ phút này chưa thấy Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trao đổi thông tin về thanh tra, kiểm soát chặt chẽ về nội dung này. Vấn đề đặt ra của tôi đối với Bộ trưởng là nếu chúng ta không kiểm soát một cách chặt  chẽ cũng có thể nguy cơ tiềm ẩn nhiều bệnh tật và nhiều diễn biến khó lường khác về chất lượng nguồn nước cung cấp sinh hoạt cho đời sống. Vì vậy, tôi chất vấn Bộ trưởng là đã có chủ trương gì để phối hợp với UBND 63 tỉnh, thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các công ty cung cấp dịch vụ nước phục vụ đời sống sinh hoạt của con người?
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản trả lời như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
 
Về nguyên tắc, các công ty cung cấp dịch vụ nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của con người sau khi khai thác nguồn nước (nước thô) đều phỉ xử lý chất lượng nước, bảo đảm nước sau xử lý đạt quy chuẩn chất lượng nước cho ăn uống sinh hoạt mới được cung cấp cho người dân.
 
Hiện nay, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, bao gồm việc quản lý chất lượng nguồn người khai thác (nước tho) cho các mục đích khác nhau, trong đó có nguồn nước khai thác để cấp cho mục đích sinh hoạt. Còn việc quản lý chất lượng nước sau khi đã được xử lý (nước sạch) để cấp nước cho ăn uống và sinh hoạt của nhân dân được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, đối với các hệ thống cấp nước đô thị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với các hệ thống cấp nước nông thôn. Bộ Y tế thống nhất quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt của người dân. Do đó, việc kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty cung cấp dịch vụ về nước sạch phục vụ đời sống, sinh hoạt của con người như ý kiến Đại biểu nêu thuộc phạm vi trách nhiệm của các Bộ nêu trên.
 
Tuy nhiên, để quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước khai thác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước (Nghị định số 43/2015/ND-CP) để quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven hồ có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; ban hành Thông tư Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT) nhằm kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước của các công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của nhân dân; ban hành Thông tư quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Thông tư số 42/2017/TT-BTNMT) để giám sát tự động, trực tuyến hoạt động khai thác nước của các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả việc giám sát chất lượng nguồn nước khai thác. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải vào nguồn nước, quy định áp dung tiêu chuẩn cao nhất đối với việc xả nước thải vào nguồn nước có mục đích khai thác để cấp nước cho sinh hoạt ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước./.

Nguyễn Ngân