ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH - TRÀ VINH: TÌNH HÌNH XỬ LÝ NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN TRONG THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI?

13/09/2018

Ngày 18/6/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
 
Theo báo cáo số 383/BC-CP ngày 09/10/2016 của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 cho biết: Tính đến đầu năm 2016 cả nước có 53/53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, với tổng nợ khoảng 15.277 tỷ đồng. Xin Bộ trưởng cho biết tới nay các khoản nợ này đã được xử lý như thế nào? Nguồn vốn để trả nợ?
 
Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn
  1. Về số liệu nợ xây dựng cơ bản:
Số nợ trên được tổng hợp tính đến ngày 31/01/2015 là chưa đúng với quy định (tính thêm 01 tháng so với quy định của Luật Đầu tư công). Đồng thời, các địa phương rà soát tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn chưa đầy đủ theo quy định tại Luật Đầu tư công, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan về: nội dung, đối tượng, phạm vi, tiêu chí; chưa xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản theo từng nguồn vốn, cơ cấu nợ, số nợ phát sinh mới sau ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực; chưa tổng hợp số vốn bố trí từ kế hoạch năm 2015 và năm 2016 để thanh toán số nợ đọng theo đúng quy định và số vốn bố trí cho số nợ đọng phát sinh sau ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực làm cơ sở xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.
  1. Từ tình hình trên, tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã quy định:
"Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số ợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020) phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018.
 
Kiểm điểm, làm rõ trach nhiệm, xử lý nghiên tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện chương trình.
  1. Về trách nhiệm của các cơ quan:
(1) Thực hiện nhiệm vụ trên, tại Quyết định số 435/QD-TTg ngày 21/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 -2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao: Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị Quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016.
 
(2) Tại Thông báo số 353/TB-VPVP ngày 11/8/2017 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí cụ thể xác định nợ xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đồng thời, là cơ quan chủ trì tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch hàng năm vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó có bố trí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản Chwong trình MTQG xây dựng nông thôn mới (theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn).
 
(3) Triển khai Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2018 và Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14/11/2017 của Quốc hội về phân bổ NSTW năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1616/QD-TTg ngày 29/11/2018 về giao dự toán NSNN năm 2018 đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn dầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 132/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó quy định phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án quan trọng, dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2018, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, bố trí vốn đối ứng cho các chương trình dự án, bố trí vốn để thanh toán tối thiểu 20% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản.
  1. Về tổ chức triển khai xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện một số nội dung:
(1) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản số 8932/BKHDT-KTNN ngày 01/11/2017 hướng dẫn các địa phương về tiêu chí xác định nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đso đã hướng dẫn phương án trả nợ, nguồn trả nợ.
 
(2) Bộ NN&PTNT đã tổng hợp tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương và tổ chức Đoàn liên ngành ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ tài chính tham gia) kiểm tra một số địa phương có báo cáo nợ đọng xây dựng cơ bản trong thự chiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn lớn như Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
 
Qua sơ bộ tổng hợp và kiểm tra tại các địa phương, đa số các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại địa phương đối với số nợ đến ngày 31/12/2014 theo quy định của Luật Đầu tư công và số nợ phát sinh sau ngày Luật Đầu tư công có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn rà soát, thống kê, tổng hợp chưa đầy đủ, chưa đúng đối tượng, phạm vi, tiêu chí, chưa tổng hợp số kế hoạch vốn đầu tư đã bố trí thanh toán nợ trong các năm từ năm 2015 đến năm 2018,… nên số liệu còn chưa chính xác. Sau khi Đoàn liên ngành kiểm tra, các địa phương đã rà soát và gửi báo cáo với số nợ đọng giảm nhiều so với báo cáo ban đầu. Cụ thể theo kết quả kiểm tra là: số nợ đọng trước kiểm tra là 3.696,25 tỷ đồng và số nợ đọng sau kiểm tra là 515,23 tỷ đồng, giảm 3.181,02 tỷ đồng.
 
Bộ NN&PTNT đang tiếp tục rà soát, tổng hợp và báo cáo kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới vào các quý II, III, IV năm 2018 theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính sẽ phối hợp thực hiện theo quy định./.

Nguyễn Ngân