Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp hỗ trợ thị trường bán lẻ Việt Nam
Trong công văn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thời gian gần đây, hoạt động đầu tư thông qua hình thức mua bán, sáp nhập diễn ra tương đối nhiều. Trong đó, liên quan đến đầu tư từ nước ngoài có 2 hình thức: Thứ nhất là Doanh nghiệp FDI bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, như Metro, Big C Việt Nam... Thứ hai là các thương vụ chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp bán lẻ vốn trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài, như Điện máy Nguyễn Kim chuyển nhượng 49% cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan; Điện máy Trần Anh, Citimart và Fivimart chuyển nhượng 31% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản… Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động mua bán, sát nhập là xu hướng khó tránh khỏi, và thực tế cho thấy có một số tác động tích cực đến hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 khu vực FDI bán lẻ đang chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước phát triển như: nghiên cứu, xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển thương mại trong nước, trong đó có phát triển hệ thống bán lẻ. Tiếp tục triển khai 3 nhóm chương trình hành động đã đề ra tại Quyết định số 634 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, sớm ban hành các quy định liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước về xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu…
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công thương đối với hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời chất vấn?
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Trước xu thế các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang thâu tóm thị trường bán lẻ của Việt Nam, tôi đã chất vấn người đứng đầu Bộ Công thương Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về trách nhiệm và những giải pháp bảo đảm sự phát triển, cạnh tranh bình đẳng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thời điểm Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn (năm 2016) thì tôi cho rằng nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cơ bản đáp ứng được yêu cầu ở thời điểm đó. Tuy nhiên, đến nay số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam tăng lên, tỷ trọng cao hơn, do đó tôi nghĩ biện pháp ứng phó thì cũng cần phải thay đổi. Nhóm giải pháp mà Bộ Công thương trình bày trong bản giải trình là tập trung vào 8 giải pháp liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng bán lẻ Việt Nam. Thời điểm đó là cần thiết vì các nhà đầu tư nước ngoài chưa thao túng nhiều, các hoạt động mua bán, sáp nhập cũng còn ít, nhưng đến thời điểm này thì cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn. Đặc biệt, phải đánh giá lại hiệu quả cũng như những bất cập mà Bộ Công thương đã triển khai về cơ sở hạ tầng bán lẻ Việt Nam, từ đó đề ra chiến lược để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng.
Phóng viên: Thưa đại biểu, mặc dù Bộ trưởng Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển, theo đại biểu những chính sách mà Bộ đã và đang triển khai đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế?
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi cho rằng, đối với những giải pháp về phát triển hạ tầng hệ thống bán lẻ mà Bộ Công thương đề ra về cơ bản đã phát huy được hiệu quả trong thực tế, bởi đã được tổ chức đồng bộ, với sức sống mới và làn sóng mới. Tuy nhiên, những đòi hỏi thực tế phát sinh đặt ra đó là tỷ trọng sáp nhập, mua bán nhiều hơn; doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và mua chuỗi bán lẻ của Việt Nam tăng lên. Đặc biệt là Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thương mại điện tử phát triển thì lưu lượng hàng hóa luân chuyển nhiều hơn, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Do vậy, tôi nghĩ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành có vai trò rất quan trọng. Trong công tác điều hành cần có sự nhanh nhạy, uyển chuyển, linh hoạt và đặc biệt là phải đúng người, đúng việc. Đơn cử như hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đối tượng là các doanh nghiệp bán lẻ rất lớn. Trong luật đã quy định nhiều giải pháp về thị trường, về vốn, hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực… nhưng quan trọng là khâu thực hiện ra sao. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng đến tháng 6/2018 thì các văn bản hướng dẫn mới trong quá trình hoàn thiện để ban hành.
Phóng viên: Theo đại biểu, để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường bán lẻ Việt Nam thì Bộ Công thương, cũng như các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục thực hiện những khâu đột phá nào?
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trong đó có điều 28 có quy định về Kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước bằng các biện pháp: Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; Quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; Định hướng, tổ chức các thị trường liên quan đến hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước áp dụng trong hoạt động điều hành nền kinh tế, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống bán lẻ.
Giải pháp thứ hai liên quan đến nội lực của hệ thống bán lẻ đó là lâu nay vấn đề thị trường, thương hiệu rất được quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thâu tóm, sáp nhập, nhiều doanh nghiệp trong nước vì chưa cân nhắc cẩn trọng nên đã dễ dàng chuyển nhượng thương hiệu, hoặc bán cổ phần khiến thương hiệu của Việt Nam bị mai một, mất dần chỗ đứng.
Thứ ba là trong chiến lược định hướng hệ thống bán lẻ Việt Nam thì cần hình thành chuỗi siêu thị lớn trở thành nơi bình ổn giá; mở rộng hệ thống các cửa hàng tiện ích ở khu vực nông thôn nhằm đưa hàng hóa của Việt Nam đến khu vực này. Bên cạnh đó, cung cấp thêm các dịch vụ như thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại để tạo thêm nguồn thu cho các hệ thống siêu thị bán lẻ của Việt Nam, đồng thời dần tạo nên sự chuyên nghiệp trong hệ thống kinh doanh của nước ta./.
Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!