Với 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý phương án tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình. Vấn đề này, tiếp tục được đặt ra trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, dự kiến trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến trong các kỳ họp năm 2019.
Theo ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức nhạy cảm, có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội. Vì vậy, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải linh hoạt, dựa trên tình hình thực tế. Đồng thời phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: trình độ, điều kiện của các nhóm lao động khác nhau, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, mức độ già hóa dân số, sự cân đối giữa tỷ lệ lao động và tỷ lệ phụ thuộc trong chính sách an sinh xã hội,...để có bước đi phù hợp.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với phóng viên về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu
Phóng viên: Thưa đại biểu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý phương án tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình. Vấn đề này, tiếp tục được đặt ra trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp năm 2019. Vậy, đại biểu có đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi hoàn toàn tán thành với quan điểm phải tăng tuổi nghỉ hưu. Dựa vào những nguyên nhân cơ bản sau có thể thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thứ nhất, tuổi nghỉ hưu hiện nay là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Quy định này đã tồn tại mấy chục năm trong khi sự phát triển về kinh tế - xã hội, phát triển về mặt con người đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, tuổi thọ trung bình đã tăng, trung bình là hơn 73 tuổi. Thứ hai là bây giờ tuổi thọ trung bình cao mà tuổi nghỉ hưu vẫn dậm chân tại chỗ có nghĩa là người nghỉ hưu sẽ được kéo dài hơn số thời gian để hưởng lương hưu trong khi đó số năm đóng bảo hiểm xã hội lại ít hơn. Như vậy, dẫn tới tình trạng là xâm phạm không chỉ vào vấn đề Quỹ lương hưu mà còn xâm phạm vào chính bản thân quyền lợi của người nghỉ hưu về sau. Trước đây, theo thống kế hơn 40 người đóng bảo hiểm cho 1 người hưởng lương hưu nhưng bây giờ chỉ còn chưa đến 10 người đóng bảo hiểm cho 1 người hưởng lương hưu. Như vậy, cứ tốc độ này đến năm 2030, 2040 Quỹ hưu trí của chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đây là hai lý do căn bản có tính chất bao trùm để chúng ta có thể hình dung việc nâng tuổi nghỉ hưu là một vấn đề cần thiết.
Phóng viên: Thời gian qua, có tình trạng lao động bị doanh nghiệp sa thải hoặc buộc phải nghỉ việc ở độ tuổi 35 -40 tuổi. Vậy nếu như nâng tuổi nghỉ hưu thì có làm tăng thêm khó khăn và thiệt thòi cho những đối tượng này hay không, thưa đại biểu?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định trong đó có mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật về thị trường lao động. Bộ Luật Lao động từ năm 1994 đến giờ đã được sửa đổi nhiều lần và sắp tới chúng ta sẽ tiến hành sửa đổi căn bản Bộ Luật lao động. Tôi không ủng hộ việc sa thải người lao động một cách tùy tiện. Cần phải nâng cao việc toàn dụng lao động. Sử dụng lao dộng một cách hiệu quả cần tính đến độ tuổi, tay nghề, ... mỗi người lao động sẽ có đặc điểm khác nhau. Do đó, lực lượng lao động của chúng ta cần phải làm sao để đảm bảo tính linh hoạt trong thị trường lao động. Đặc biệt đối với người sử dụng lao động, cần phải nghiên cứu chính sách sử dụng lao động làm sao để vừa đảm bảo quyền lợi của mình nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của người lao động; tránh tình trạng vì quá đề cao lợi nhuận của doanh nghiệp mà sa thải người lao động một cách dễ dàng, tùy tiện. Trong trường hợp này, cần phải hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật lao động để đảm bảo cho mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định; tránh tình trạng mỗi bên vì giữ lợi ích của mình dẫn đến xâm phạm vào lợi ích của nhau đồng thời xâm phạm những lợi ích mà pháp luật đặt ra.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội Việt Nam đang phát triển do đó không nên có sự khác biệt trong quy định độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi ủng hộ phương án bình đẳng nam và nữ trong mọi phương diện. Tôi đề nghị khái niệm "bình đẳng" này cần phải hiểu hết sức rạch ròi; tránh tình trạng bình đẳng bằng cách sử dụng áp đặt một số chế độ ưu tiên đối với nữ. Hãy để bình đẳng tự nói lên các vấn đề nội hàm còn những vấn đề người phụ nữ cần được bảo vệ thì pháp luật phải có những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ người phụ nữ. Tuy nhiên, vì đặc điểm của phụ nữ là phải làm thiên chức cao cả, thiên chức làm vợ, làm mẹ... chính vì thế người phụ nữ cần phải được cho họ một quyền, đó là quyền được nghỉ hưu theo chế độ linh hoạt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!