CẦN CÓ LỘ TRÌNH PHÙ HỢP ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG MIỄN HỌC PHÍ ĐỐI VỚI HỌC SINH THCS

09/09/2018

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), thống nhất thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập... theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29 khóa XI.

Theo ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, giàu tính nhân văn, góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi việc thực hiện phải có lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trao đổi với phóng viên về chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS

Phóng viên: Thưa đại biểu, mới đây tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất miễn học phí hoàn toàn đối với học sinh cấp 2. Vậy, quan điểm của đại biểu về chủ trương  này như thế nào?

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Những năm qua Nhà nước mới miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS chưa được miễn học phí. Điều này phần nào gây khó khăn khi huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Trước đó khi dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 12/3, nội dung “miễn học phí cho học sinh THCS” bị đưa ra khỏi dự luật. Tuy nhiên, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 đã nêu rõ một số chủ trương liên quan đến dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có thống nhất chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS. Đây là chủ trương đúng đắn, giàu tính nhân văn, phù hợp với Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo của Trung ương Đảng.

Phóng viên: Miễn học phí cho học sinh THCS là chủ trương rất nhân văn, nhưng khi quyết định triển khai cần có lộ trình như thế nào để đảm bảo nguồn lực và tính khả thi, thưa đại biểu?

 Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương để thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Chúng ta cũng tiến tới mục tiêu sau năm 2020 phổ cập giáo dục bắt buộc. Chính vì vậy, miễn học phí cho học sinh THCS, Chính phủ sẽ phải có lộ trình thực hiện. Lộ trình cụ thể như thế nào thì cần phải có những bước đi thỏa đáng hơn. Khi chúng ta thực hiện phổ cập giáo dục mầm non với trẻ 5 tuổi, chính sách của chúng ta chỉ là các cháu nào vào công lập được hưởng. Điều này khiến các cơ sở ngoài công lập thấy có những điểm không bình đẳng. Hiện nay, khi đề ra miễn học phí cho học sinh THCS trường công lập thì học sinh sẽ đua nhau vào trường công lập hết. Như vậy, bài toán quá tải sẽ rất là rõ. Chính vì vậy, Chính phủ đã có giải pháp hỗ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu. Lộ trình thực hiện làm sao phải kéo giãn số học sinh, số giáo viên ở cơ sở công lập, phải ra bớt các cơ sở ngoài công lập và mức học phí nhà nước hỗ trợ.

Phóng viên: Thưa đại biểu, cần có chính sách như thế nào để đảm bảo sự hỗ trợ của nhà nước đối với các trường ngoài công lập so với các trường công lập được tương đối bình đẳng?

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Những trường hiện nay là trường tư mà chất lượng cao, đã được nhà nước hỗ trợ đất đai, hỗ trợ ưu đãi tín dụng từ giai đoạn trước thì đối tượng này nhà nước không cần hỗ trợ tiếp. Tuy nhiên, đối với những cơ sở ban đầu ra thành lập và đăng ký thành cơ sở giáo dục chất lượng cao thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho trường ngoài công lập cho phù hợp. Nhưng cũng cần phải tính đến bài toán hiệu quả, vì vậy khi số học sinh ở công lập vơi đi thì giáo viên chúng ta cũng có chính sách điều chỉnh đảm bảo cho đội ngũ giáo viên ra các trường ngoài công lập có mức thu nhập, chế độ, thâm niên cũng phải được tối thiểu như trong công lập. Nếu có lộ trình thực hiện tốt những điều này thì chắc chắn bài toán để miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở mới có thể khả thi.

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh