Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập với những điều khoản không còn tương thích với sự phát triển và thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn ngành điện ảnh. Theo ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Hoa cần bổ sung, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn trong Luật Điện ảnh đồng thời có cơ chế đột phá để gỡ bỏ nút thắt, tạo đà cho ngành điện ảnh nước nhà phát triển.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang trao đổi với phóng viên về cơ chế thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển
Phóng viên: Thưa đại biểu, điện ảnh Việt Nam mặc dù được cho là có sự khởi sắc trở lại trong một vài năm gần đây thế nhưng vẫn bị đánh giá là số lượng phim hay không nhiều và các cơ chế, chính sách thì vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra sự chuyển mình của điện ảnh nước nhà? Vậy, đại biểu có đồng tình với quan điểm này hay không?
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Luật Điện ảnh sau 10 năm thi hành đã có tổng kết, đánh giá. Ngành điện ảnh đã xây dựng nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh về cơ bản là phù hợp với các cam kết quốc tế và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan. Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo tiền đề tốt để ngành điện ảnh phát triển. Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật cũng cho thấy, trong những năm qua điện ảnh của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, số lượng phim được tăng lên và chất lượng phim cũng được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng phim hay vẫn còn hạn chế. Mặc dù luật đã đi vào cuộc sống nhưng bên cạnh những điểm tích cực vẫn còn nhiều hạn chế cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện nhằm thúc đẩy ngành điện ảnh phát triển.
Phóng viên: Thưa đại biểu, bên cạnh những thành tựu đạt được thì sau hơn 10 năm ban hành, Luật Điện ảnh còn tồn tại những bất cập, hạn chế gì cần sửa đổi, bổ sung?
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Ở đây phải xác định ngành điện ảnh là một ngành đặc thù. Xác định như vậy mới thấy rằng, trong Luật Điện ảnh có nhiều điều, khoản đã quy định nhưng khi triển khai thì thực hiện chưa tốt. Trong Luật có quy định về việc cho phép xây dựng Quỹ để hỗ trợ cho hoạt động điện ảnh. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa triển khai được do thiếu nguồn thu. Một số chính sách, chế độ đối với các đội chiếu bóng lưu động, xây rạp ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa còn chưa sát với thực tiễn. Công tác xã hội hóa điện ảnh cũng khiến một số hãng phim tư nhân sa vào lợi nhuận và nghiệp dư hóa hoạt động sản xuất dẫn đến hạ thấp thị hiếu khán giả.
Tiếp đó, hoạt động điện ảnh là hoạt động sáng tạo và rất khác biệt với các ngành khác. Vì vậy, nếu chúng ta thay đổi cách thức quản lý, đưa ra đấu thầu thì không thể thực hiện giống như đấu thầu một công trình xây dựng mà ở đây, là đấu thầu để sản xuất phim. Do đó, cũng có những bất cập trên thực tế triển khai. Do đó, nhìn lại 10 năm thi hành Luật Điện ảnh, vẫn còn những điều chúng ta tổ chức thực hiện chưa tốt; có những vấn đề phát sinh thực tế mà tới đây Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải đưa vào bổ sung, sửa đổi. Những nước có ngành điện ảnh phát triển họ rất quan tâm đến công nghiệp điện ảnh, công nghiệp điện ảnh không phải chỉ là kinh tế mà còn là chính trị, văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới. Bởi vậy, nếu quan điểm, nhận thức ngành điện ảnh có vai trò quan trọng thì sẽ có cơ chế thực hiện hiệu quả.
Phóng viên: Thời gian tới, để ngành điện ảnh hội nhập và phát triển, theo quan điểm của đại biểu cần có cơ chế, chính sách như thế nào?
Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Muốn phát triển được ngành điện ảnh thì phải có cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính ở đây phải tốt, phù hợp đặc thù của ngành điện ảnh. Đồng thời, cần có chính sách bảo vệ, hỗ trợ việc sản xuất, phát hành phim trong nước cũng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực cao cho điện ảnh, qua đó chuyên nghiệp dần các công đoạn, các khâu từ sản xuất đến phát hành. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách khác của nhà nước cũng phải quy định làm sao để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có kinh phí đầu tư vào ngành điện ảnh. Nghị quyết Trung ương đã nêu rất rõ về phát triển văn hóa, con người Việt Nam thì điện ảnh phải đóng vai trò quảng bá hình ảnh. Tiếp đó, cần có chính sách quan tâm đến bồi dưỡng, đào tạo nhân lực cho ngành điện ảnh. Phải có những nhân tố thật tốt mới thúc đẩy được nền điện ảnh hiện nay. Việc lựa chọn những thanh niên ưu tú cử đi học cũng rất quan trọng, bởi thế hệ này sẽ xoay chuyển ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!