ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU - TP.HỒ CHÍ MINH: TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ CỦA GIÁ DỊCH VỤ ĐÀO TẠO CÓ PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ?

25/08/2018

Ngày 22/6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh về quan điểm của Bộ trưởng về sự phù hợp của giá dịch vụ đào tạo đối với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu:
 
Theo như Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học sắp thông qua về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ như vậy có phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay không và có đúng với quan điểm của Đảng, giáo dục là quốc sách hàng đầu hay không? Nhất là trong bậc học mầm non và bậc học phổ thông. Xin Bộ trưởng trả lời quan điểm cụ thể.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
 
Theo quy định, học phí thuộc phạm vi điều chỉnh bởi Luật Giá năm 2012, học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo nguyên tắc học phí phải tính đủ chi phí đào tạo. Việc xác định học phí trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ sẽ làm căn cứ xác định cơ chế thu, nguồn thu, bảo đảm đủ chi phí để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ cơ chế này cũng xác định rõ cơ chế chia sẻ chi phí giữa người học và nhà nước, từ đó nhà nước có chính sách đầu tư thích hợp cho giáo dục và đào tạo đặc biệt với bậc học mầm non, phổ thông.
 
Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Điều 105) quy định theo hướng chia sẻ chi phí đào tạo giữa người học và nhà nước. Theo đó, đề nghị giữ khái niệm học phí là khoản tiền mà người học hoặc gia đình người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo, để phù hợp với thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế vẫn sử dụng từ học phí (tuition fee). Đồng thời, bổ sung thêm quy định giá dịch vụ giáo dục đào tạo là giá tính đủ chi phí đào tạo, bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo, để xác định rõ học phí chỉ là một phần đóng góp của người học, phần còn lại sẽ do ngân sách hỗ trợ. Tuy nhiên mức học phí này sẽ được chuyển dần sang cơ chế tính đủ chi phí theo lộ trình tính giá dịch vụ quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất chính sách phổ cập giáo dục, đề xuất miễn học phí cho cấp học mầm non, phổ thông cũng như bảo đảm định suất chi/học sinh tại các cơ sở giáo dục./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội