KHẮC PHỤC TRIỆT ĐỂ TÌNH TRẠNG CHẬM, NỢ ĐỌNG VĂN BẢN HƯỚNG DẪN

21/08/2018

Sau 3 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và 5 năm thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 “về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”, tiến độ ban hành các văn bản dưới luật đến thời điểm này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết triển khai thi hành chưa kịp thời, tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản. Để khắc phục triệt để tình trạng này, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cần phải xây dựng luật mang tính khả thi, đầy đủ hơn tránh tình trạng phải đợi văn bản hướng dẫn thì luật mới áp dụng được.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 5 năm thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13, đại biểu đánh giá như thế nào về công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan hiện nay?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Những năm gần đây, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tích cực ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quyết tâm, sau khi luật được ban hành sẽ khẩn trương đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế 1 số cơ quan, ban, ngành đặc biệt là các bộ, ngành được giao nhiệm vụ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan khác để ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm trễ. Thậm chí có những đơn vị bản thân họ không chậm trễ nhưng những đơn vị phối hợp lại rất chậm trễ. Tôi biết là có những trường hợp để hàng năm trời không cho ý kiến vào văn bản xin ý kiến dự thảo. Như vậy, có tình trạng chậm trễ của những người, cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong việc ban hành văn bản nhưng cũng có những nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức khác không quan tâm hoặc trì hoãn vì một lý do liên quan đến lợi ích của ngành, bộ. Chính vì thế, có những văn bản đã ra đời nhưng hàng năm sau không có văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn các đại biểu về tình trạng chậm, nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành tại Phiên họp thứ 22 UBTVQH

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua vẫn có tình trạng nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, khiến các luật được Quốc hội thông qua chậm đi vào cuộc sống. Vậy thực trạng này gây ra những hệ lụy như thế nào đối với việc triển khai, thi hành luật?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng chạm, nợ đọng văn bản. Chính vì thế, có những văn bản đã ra đời nhưng hàng năm sau không có văn bản hướng dẫn thi hành gây ra những ắc tắc, vướng mắc, xung đột về quy định; đặc biệt là không tạo ra sự thống nhất thực hiện của các địa phương, bộ ngành. Điều này dẫn đến một hệ lụy, cùng một văn bản luật nhưng nơi thực hiện như thế này nơi lại thực hiện theo cách khác bởi vì cách hiểu không thống nhất. Ở địa phương này nghĩ rằng làm như thế này mới đúng còn ở địa phương khác lại cho rằng với địa điểm, hoàn cảnh, đặc điểm của địa phương mình thì làm thế khác mới đúng. Tôi cho rằng, điều đó dẫn tới tình trạng thiếu thống nhất thậm chí gây nên sự không nhất quán trong thi hành pháp luật. Pháp luật cần sự tôn nghiêm mà thi hành không nhất quán thì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân và ảnh hưởng đến hình ảnh của Nhà nước. Không thể tồn tại pháp luật mà ai nghĩ kiểu gì cũng được và nguy hiểm nhất là khi đưa vào một quá trình cuối cùng là quá trình tố tụng tư pháp mà không cẩn thận sẽ dẫn đến việc phán xử khác nhau. Vừa qua với sự quyết tâm của Chính phủ thì tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã bắt đầu đi vào nề nếp, tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn. Tuy nhiên, điều tồn tại đó là việc văn bản hướng dẫn chưa có chất lượng cao.

Phóng viên: Để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, cũng như thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cần có giải pháp như thế nào thưa đại biểu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Để khắc phục triệt để tình trạng này, theo tôi phải quán triệt một tinh thần. Đó là phải xây dựng luật đầy đủ hơn, kịp thời hơn, tránh tình trạng phải đợi ban hành các văn bản hướng dẫn. Khi luật có hiệu lực có thể áp dụng được, thực hiện được ngay và luật phải đi vào đời sống ngay chứ bây giờ luật lại còn phải đợi văn bản cõng đạo luật đó là không được. Cho nên, quan điểm của tôi là xây dựng luật phải đầy đủ, khả thi và chúng ta phải thấy rằng luật là phải đảm bảo thể chế hóa đường lối của Đảng, đảm bảo tính khả thi, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bây giờ ban hành luật phải theo 1 phương án luật ban hành phải áp dụng được ngay. Chúng ta chỉ hướng dẫn, giải thích một số ít điều cần cụ thể, chi tiết để cho người dân hiểu sâu thêm thôi chứ không phải là vì câu chuyện không có văn bản hướng dẫn mà không thể thực hiện được luật. Bên cạnh đó, các Bộ, ban ngành trong nhiệm vụ được giao cần nghiêm túc thực hiện đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh