Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình chất vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nội dung chất vấn của Đại biểu như sau:
Mô hình trường học mới (VNEN) xuất xứ từ Colombia được thí điểm từ năm 2013 với chi phí trên 80 triệu USD, sau hơn 3 năm triển khai thí điểm đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội và ngay cả cán bộ quản lý cũng như giáo viên còn ý kiến rất khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết Bộ và Bộ trưởng đã nhìn nhận như thế nào về việc học tập mô hình giáo dục nước ngoài trong thời gian qua? Bài học kinh nghiệm cho tương lai?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nội dung trả lời như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học phổ thông như: dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp “bàn tay nặn bột”… trong đó có mô hình trườn ghọc mới VNEN ( một phương thức dạy học lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm) triển khai bởi Dự án mô hình trường học mới (Dự án VNEN) từ năm 2012. Dự án VNEN đã tổng kết vào tháng 5 năm 2016.
Tổng kết đánh giá kết quả triển khai của Dự án VNEN và qua một số các nghiên cứu độc lập cho thấy: phương thức dạy học theo mô hình trường học mới có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường. Mô hình đổi mới giáo dục đồng bộ về phương pháp dạy, phương pháp học, phương phấp đánh giá, cách thức tổ chức lớp học, phối hợp giữa cha mẹ học sinh, cộng đồng và nhà trường, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và công tác quản lý, tạo ra những tiền đề nhằm chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, viẹc triển khai mô hình trường học mới cũng đã bộc lộ một số bất cập, đó là: Một số nhà trường chưa chuẩn bị các điều kiện để triển khai (giáo viên chưa được tập huấn bồi dưỡng một cách đầy đủ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về thiết bị dạy học, sĩ số lớp học đông…) dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. Công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh chưa kịp thời, đầy đủ nên chưa tạo được sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng và cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai.
Để thực hiện phương thức dạy học theo mô hình trường học mới đạt chất lượng và hiệu quả, ngay sau khi Dự án VNEN kết thúc, ngày 18/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4068/BGDDT-GDTrH chỉ đạo việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016 - 2017. Ngày 08/8/2017, Bộ tiếp tục có Công văn số 3459/BGDDT-GDTrH yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo rà soát, đảm vảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ triển khai khi đảm bảo các điều kiện và triển khai trên tinh thần tự nguyện, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phải được tập huấn để hiểu về mô hình. Các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo các điều kiện thì kiên quyết không cho phép triển khai.
Qua quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, nhất là việc triển khai các mô hình giáo dục tiên tiến, cho thấy việc học hỏi, tiếp thu những thành tựu từ các mô hình giáo dục, phương pháp dạy học từ các nước tiên tiến là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tiến hành khi có đầy đủ các điều kiện đảm bảo, đặc biệt đôi ngụ cá bộ quản lý, giáo viên phải được tập huấn đầy đủ và hiểu rõ về mô hình trước khi triển khai. Việc triển khai, nhất là triển khai nhân rộng phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lsy giáo dục, đảm bảo việc triển khai khi có đầy đủ các điều kiện, bảo đảm quyền lợi của học sinh. Cùng với đó, cần có sự đồng hành của toàn xã hội, sự kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh thì iệc triển khai đổi mới sẽ thành công.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý theo hướng đổi mưới cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp để áp dụng hiệu quả hơn các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục làm tốt hơn công tác truyền thông, trong đó sẽ chủ động tuyên truyền để toàn xã hội hiểu đúng về chủ trương đổi mới, tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và xã hội./.