Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn tại Hội trường
Sau chất vấn, mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, quyết liệt nhưng tình trạng “phạt cho tồn tại” vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để. Theo ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục xử lý dứt điểm tình trạng “phạt cho tồn tại”, đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Vậy, Đại biểu cho biết nội dung chất vấn được tập trung ở khía cạnh nào?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tại kỳ họp thứ 4, tôi có nêu nội dung chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Nội dung tôi chất vấn là đã đến lúc Thủ tướng cần có 1lộ trình để chấm dứt tình trạng “phạt để cho tồn tại”. Bởi vì, trên thực tế nếu quan sát thực trạng này thì tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có tính chất xâm hại rất lớn đến luật pháp, tới sự nghiêm minh của pháp luật và đặc biệt hệ quả của nó sẽ làm xói mòn bộ máy cán bộ.
Phóng viên: Thưa Đại biểu, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị Định 139 có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 để có thể từng bước loại bỏ và tiến tới chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại” đang gây nhức nhối dư luận. Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại không ít dự án mặc dù đã phát hiện sai phạm nhưng các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vẫn theo hướng “phạt cho tồn tại”. Quan điểm của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Đây có lẽ là căn bệnh kinh niên chúng ta gặp rất nhiều lần. Thực tế, từ luật pháp đi vào đời sống còn khoảng cách rất lớn. Trước hết, tôi hoan nghênh Chính phủ đã có động thái pháp định hóa nhưng để đi vào đời sống chắc phải có 1 quá trình. Tôi nghĩ, để giải quyết được vấn đề này phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh tính kỷ luật thực thi pháp luật chúng ta cũng cần có giải pháp để thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế từ đó nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức một cách xứng đáng. Đồng thời, cũng cần nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức hiện nay. Tôi cho rằng, quyết tâm của Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành để những văn bản ban hành đi được vào đời sống, phát huy được giá trị.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Trên thực tế, có rất nhiều dự án mặc dù đã phát hiện sai phạm và tiến hành xử phạt hành chính, thậm chí là đình chỉ thi công, yêu cầu tháo dỡ và khắc phục phần sai phạm. Nhưng cuối cùng các dự án này vẫn ngang nhiên tồn tại. Vậy, đại biểu nhìn nhận như thế nào trước thực trạng này?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Đúng là thực tế có nhiều dự án, công trình sai phạm nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Ví dụ như: câu chuyện về tòa nhà 8B Lê Trực xây vượt tầng mọi người đều nhìn thấy và chắc chắn sẽ có tầng tầng, lớp lớp những lần phạt nhưng rồi vẫn cứ tồn tại hay vụ lấp sông ở Đồng Nai hay Khánh Hòa. Như vậy, nếu như chúng ta không ngăn chặn ngay từ đầu thì sẽ trở thành việc lớn. Tuy nhiên, điều đó không nguy hại bằng việc làm cho tất cả luật pháp đều trở thành vô hiệu. Bên cạnh đó, việc “phạt cho tồn tại” chỉ là hình thức, tiền nộp phạt sẽ chẳng đáng là bao nhưng sự móc ngoặc với nhau sẽ làm băng hoại bộ máy của chúng ta. Chính phủ cũng đã nhìn nhận và đã có chỉ thị nhưng không thực hiện được triệt để bởi thực trạng này gắn với cả 1 đội ngũ công chức rất lớn và gắn với toàn bộ đời sống xã hội và sức công phá của nó vô cùng nguy hại. Vì thế, tôi rất mong muốn chúng ta giải quyết được triệt để vấn đề này. Bởi chỉ có vậy mới tạo ra ý thức về mặt pháp lý của người công dân cũng như ý thức về mặt thực thi luật pháp của những người cầm quyền. Tôi cho đây là một điều hết sức quan trọng mà chúng ta phải bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ.
Phóng viên: Theo đại biểu, các Bộ, ban ngành liên quan đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu sẽ phải xem xét như thế nào khi không thể xử lý dứt điểm những tồn tại như đã đề cập mặc dù Thủ tướng Chính Phủ đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể và quyết liệt?
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tôi nghĩ cách làm tốt nhất là quy trách nhiệm cụ thể. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và tất nhiên hình thức kỷ luật sẽ có từng mức phù hợp. Ví dụ: trên 1 địa bàn có 1 ngôi nhà xây dựng sai phép thì trước tiên Chủ tịch phường phụ trách địa bàn, thanh tra xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm. Cần xử phạt nghiêm minh, tới nơi tới chốn, thậm chí có thể cách chức. Chúng ta không sợ thiếu người và điều quan trọng là cần duy trì xử lý nghiêm minh để thay đổi cách hành xử cho đúng. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp để giám sát, để xử lý một cách triệt để. Tôi cho là phải làm như vậy mới khắc phục triệt để tình trạng "phạt cho tồn tại".
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!