Theo ý kiến của Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, một trong những nội dung cần chú trọng trong Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) lần này là nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý của Hội đồng trường. Hội đồng trường phải có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên và tiêu chuẩn các chức danh quản lý.
Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa đại biểu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học lần này được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về những nội dung được đề xuất sửa đổi lần này?
Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đề xuất sửa đổi 31/73 điều; giữ nguyên 42 điều; bổ sung 02 điều mới. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước ta. Những nhóm vấn đề lớn được sửa đổi lần này như: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế hay vấn đề về tài chính, tài sản trong giáo dục đại học,…. Theo tôi cơ bản đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2012; hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong điều kiện phát triển và hội nhập.
Phóng viên: Trên thực tế, thời gian vừa qua Hội đồng trường dù được coi là cơ quan quyền lực nhưng lại không có quyền lực thực sự. Vậy, theo quan điểm của đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này đã khắc phục được bất cập này hay chưa?
Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Luật Giáo dục Đại học hiện hành đã quy định khung pháp lý khá hoàn chỉnh cho bộ máy quản trị cơ sở giáo dục đại học, có sự phân biệt quản trị cơ sở đại học công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, Hội đồng trường dù được coi là cơ quan quyền lực nhưng lại không có quyền lực thực sự. Hội đồng trường hiện không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng. Thực chất, hội đồng trường đang đóng vai trò tư vấn hơn là một hội đồng quyền lực. Luật hiện hành cũng chưa làm rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường. Việc triển khai quy định về hội đồng trường trong thực tế chưa phân định rõ được chức năng, quyền hạn của hội đồng trường với Ban giám hiệu. Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã hướng tới đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học. Đối với các trường đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định để Hội đồng trường là hội đồng quyền lực, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ. Thành phần của Hội đồng trường cơ bản độc lập với bộ máy quản lý của hiệu trưởng và có các quyền của tổ chức quản trị trường. Tuy nhiên, theo tôi vẫn cần thay đổi cả về tư duy, nhận thức về vai trò của Hội đồng trường.
Hội đồng trường Trường Đại học Thủy Lợi
Phóng viên: Thưa đại biểu, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về Hội đồng trường trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) lần này như thế nào để đảm bảo tính khả thi trên thực tế khi luật được ban hành?
Đại biểu Lê Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo tôi cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định về Hội đồng trường để bảo đảm tính khả thi trên thực tế. Trong đó, cần lưu ý đến cơ chế phân chia trách nhiệm, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong quản trị nhà trường. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ vai trò và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở. phân định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý liên quan.
Một vấn đề khác cũng cần phải cân nhắc đó là khi hội đồng trường là cơ quan quyền lực vậy thì hội đồng trường sẽ phải hoạt động ra sao, quyền lực và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển giao xuống cho Hội đồng trường như thế nào? Điều quan trọng hơn là để Hội đồng trường không bị lu mờ, hoạt động thực chất cũng cần lưu ý đến năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!