ĐBQH MÙA A VẢNG - ĐIỆN BIÊN: GIẢI PHÁP CHO NHỮNG BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC ĐỀN BÙ, HỖ TRỢ SAU THU HỒI ĐẤT XÂY DỰNG THỦY ĐIỆN?

16/08/2018

Ngày 15/6/2018, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, về những bất cập hiện nay trong công tác đền bù, hỗ trợ sau thu hồi đất của các dự án xây dựng thủy điện.

Đại biểu Quốc hội Mùa A Vảng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên chất vấn Bộ Công Thương
 
Nội dung chất vấn của Đại biểu:
 
Đầu tư xây dựng thủy điện vừa và nhỏ đã và đang góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành điện. Tuy nhiên, không như các dự án thủy điện trọng điểm của quốc gia, việc đền bù, giải tỏa khi thu hồi đất xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ được thực hiện một lần với mức giá đền bù thấp, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, bố trí đất sản xuất đặc biệt là hỗ trợ sau thu hồi, hậu tái định cư chưa có quy định cụ thể bắt buộc các chủ đầu tư thủy điện phải có phương án thực hiện sau khi thu hồi đất của người dân, do vậy đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
 
Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng sẽ có giải pháp cụ thể nào để giải quyết những bất cập nêu trên để người dân sau khi bị thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và vừa được hưởng chính sách đền bù, chuyển đổi nghề, bố trí đất sản xuất, hỗ trợ sau thu hồi đất, hậu tái định cư thỏa đáng, không bị thiệt thòi giúp người dân có cuộc sống tốt hơn?
 
Bộ Công Thương có nội dung trả lời chất vấn như sau:
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn 

1. Trong những năm vừa qua, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến thời điểm hiện tại, thủy điện đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, thủy điện còn tham gia cắt, giảm lỹ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa khô cho vùng hạ du; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân; đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

2. Mặc dù vậy, việc triển khai xây dựng các dự án thủy điện đã gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt việc phải di chuyển, tái định cư một số lượng dân cư để bảo đảm đất xây dựng các thủy điện đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do tầm quan trọng của công tác di dân, tái định cư, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân tái định cư và bảo đảm vào việc xây dựng hoàn thành các nhà máy thủy điện đúng tiến độ.

3. Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan và Chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các ĐAT và Bộ NN&PTNT được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Ngày 18/11/2014, Bộ NN và PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 64/2014/QD-TTg về chính sách đặc thù cho công tác DD, TDC các dự án thủy lợi, thủy điện. Như vậy, ngoài các chính sách được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/ND-CP của Chính phủ, các DATD thuộc đối tượng được áp dụng còn được thực hiện các chính sách đặc thù theo Quyết định số 64/2014/QD-TTg nêu trên.

Đến nay, có thể nói việc thực hiện công tác BT, HT, DD, TDC các DATD đối với các DATD lớn về cơ bản đã tuân thủ đúng các quy định hiện hành; các khu TDC đều có kết cấu cơ sở hạ tầng, nhà ở được xây dựng tốt hơn nơi ở cũ, môi trường sống được cải thiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ công cho đồng bào TDC. Với việc đầu tư xây dựng các DATD, cơ sở hạ tầng các khu/điểm TDC cũng như trong khu vực đwocj đầu tư xây dựng, nâng cấp đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện lồng ghép đầu tư xây dựng các khu TDC đạt chuẩn nông thôn mới đã được một số địa phương thực hiện và đang đạt được những hiệu quả tích cực. Công tác BT, HT theo chính sách mới được ban hành cũng tạo điều kiện tốt để người dân trong vùng bị ảnh hưởng có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt.
 
Đối với các DATD nhỏ hiện nay, chủ yếu do tư nhân đầu tư, hầu hết có quy mô hồ chứa nhỏ (điều tiết ngày), diện tích chiếm đất chủ yếu thuộc phạm vi ven các bờ sông, suối, hạn chế tối đa đến diện tích đất nông nghiệp của bà con và hầu như không phải di dân, tái định cư nên việc đền bù, giải tỏa khi thu hồi đất để xây dựng các DATD nhỏ được thực hiện một lần. Việc định giá đền bù đối với các DATĐ nhỏ được thực hiện trên cơ sở kiếm đếm công khai của Ban Đền bù giải phóng mặt bằng của UBND huyện, sau đó áp giá đền bù thiệt hại theo đơn giá của UBND Tỉnh đã ban hành và Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
 
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương là Bộ quản lý ngành, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông trong việc dự thảo các chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án thủy điện nói chung. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sau thu hồi, tái định cư đối với các DATD nhỏ hiện nay tuy chưa có quy định cụ thể nhưng qua công tác chỉ đạo, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các Tỉnh và các Chủ đầu tư triển khai đồng bộ các hỗ trợ sau tái định cư nêu trên tại các DATD vừa và nhỏ để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới người dân. Trong quá trình đầu tư và vận hành các DATD vừa và nhỏ, Nhà đầu tư, ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư còn được khuyến khích thực hiện các hỗ trợ cho bà con sau tái định cư như hỗ trợ về lương thực, cây, con giống, ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, trường học thôn bản, giao thông nông thôn và tiếp nhận con em tại địa phương vào làm việc tại các nhà máy thủy điện để có cuộc sống ổn định lâu dài./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội