Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 207/QĐ-TTg ngày 17/02/2012 phân công Bộ Y tế là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Dân số. Theo ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, để công tác dân số đi đúng hướng với quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương, khi xây dựng dự án Luật Dân số cần quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi chính sách dân số từ điều chỉnh số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung vào kế hoạch hóa gia đình hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, cả quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua chính sách dân số của Đảng và Nhà nước ta được tập trung vào mục tiêu gì và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Nhận thức được tác động của dân số đối với sự phát triển kinh tế, tiến bộ và môi trường trong lành, bền vững của đất nước, nên ngay từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách dân số với mục tiêu giảm sinh. Kiên trì và đẩy mạnh Chương trình Kế hoạch hóa gia đình, nước ta đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 - 2 con”. Thành tựu này tác động mạnh mẽ và toàn diện đến sự phát triển của nước ta theo cả hai hướng mang lại cơ hội và nảy sinh những thách thức mới như: Dân số già tăng lên, suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do vậy, có thể thấy, đây là thời điểm cần có sự chuyển hướng chính sách từ "Dân số - Kế hoạch hóa gia đình" sang "Dân số - Phát triển" để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới.
Việt Nam có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Phóng viên: "Dân số và phát triển" là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Vậy, đâu là giải pháp mấu chốt để thực hiện được mục tiêu này, thưa đại biểu?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc giải quyết mối quan hệ dân số và phát triển là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đây là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước, là phương thức để mỗi gia đình, mỗi người dân và toàn xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến dân số, mấu chốt là phải gắn việc nâng cao chất lượng dân số với giải quyết toàn diện, đồng bộ các kết quả dân số, duy trì mức sinh thay thế. Đồng thời, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa, quản lý di cư góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ cân nhắc thời điểm trình dự án Luật Dân số
Phóng viên: Thưa đại biểu, dự án Luật Dân số đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và hiện nay Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự án luật Dân số. Vậy, theo quan điểm của đại biểu, dự án Luật Dân số lần này cần chú trọng đến nội dung cơ bản nào ?
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Dự thảo Luật Dân số hiện đang được Bộ Y tế chủ trì soạn thảo. Theo tôi, Luật Dân số khi được ban hành sẽ là hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng nhất về công tác dân số. Do vậy, để công tác dân số đi đúng hướng với quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương, khi xây dựng dự án Luật Dân số cần quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi chính sách dân số từ điều chỉnh số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng dân số; từ việc tập trung vào kế hoạch hóa gia đình hướng đến mục tiêu giảm sinh sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số, cả quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng; từ cách tiếp cận một chiều, giải quyết tình trạng gia tăng quy mô dân số quá nhanh sang tiếp cận tổng thể và đa chiều; điều chỉnh các yếu tố dân số và chính sách phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ. Cụ thể là nghiên cứu quy định về mức sinh hợp lý để phù hợp sự phát triển KT-XH của đất nước; tránh tình trạng hoặc mức sinh tăng trở lại, hoặc mức sinh tiếp tục giảm xuống mức rất thấp như một số nước đã gặp phải.
Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nâng cao chất lượng dân số như quy định về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát bệnh, tật bẩm sinh, sức khỏe sinh sản…. Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; kiên quyết thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết; đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Bên cạnh đó, có quy định nhằm khai thác tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, thích ứng với già hóa dân số.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!