Việc thực hiện không đúng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội khiến cho công tác y tế dự phòng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, y tế dự phòng phải được coi là một ưu tiên và đặc biệt là ưu tiên về mặt kinh phí.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa đại biểu, Nghị quyết số 18 của Quốc hội yêu cầu phải dành tối thiểu 30% chi ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, trên thực tế các địa phương chỉ dành khoảng 20 -25%. Vậy việc chi không đủ ngân sách cho y tế dự phòng theo quy định của Nghị quyết đã gây khó khăn gì cho công tác y tế dự phòng hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Theo tôi được biết, trong nhiều năm qua kinh phí của Bộ Y tế trích lại để làm công tác y tế dự phòng là không lớn. Bên cạnh đó, cũng đã có chủ trương tại Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải dành 30% kinh phí thường xuyên của các cơ sở để tập trung cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, ở các địa phương trên thực tế cũng không thực hiện được đúng quy định này. Không thực hiện đúng việc chi kinh phí cho y tế dự phòng đã dẫn đến hệ thống ý tế dự phòng trong nhiều năm không phát triển được, gần như dậm chân tại chỗ. Bằng chứng là một loạt năm vừa qua, năm nào cũng có dịch, thậm chí năm 2017 dịch hết sức là nghiêm trọng về sốt xuất huyết.
Dịch Sốt xuất huyết năm 2017 khiến nhiều bệnh nhân phải nằm ghép điều trị
Phóng viên: Để y tế dự phòng đạt được mục tiêu đề ra là chăm sóc sức khỏe toàn dân ngay từ ban đầu, dập dịch trước khi có dịch thì nguồn kinh phí là vô cùng quan trọng. Vậy theo quan điểm của đại biểu cần có giải pháp gì để ngân sách cho y tế dự phòng được đầu tư đúng mức?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Y tế dự phòng trong chủ trương chung của Đảng và Nhà nước chúng ta cũng như của quốc tế thì phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh cho nên y tế dự phòng phải được coi là một ưu tiên và đặc biệt là ưu tiên về mặt kinh phí. Tôi cũng đã có văn bản gửi cho Bộ y tế để khẩn thiết mong muốn hàng năm Bộ y tế phải dành nhiều kinh phí hơn nữa từ ngân sách do Quốc hội thông qua để chuyển về làm y tế dự phòng. Đây là một quan điểm rất rõ ràng và phải thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, mặt khác, cũng cần nhận thức đúng và đầy đủ vai trò quan trọng của đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng với ý nghĩa là “cái gốc” của y tế từ quá trình đào tạo đến cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để y tế dự phòng thực sự đóng vai trò then chốt, bên cạnh việc dành nhiều kinh phí hơn cho y tế dự phòng thì cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Lâu nay, khi nói đến y tế dự phòng, chúng ta thường chú ý đến các bệnh dịch bệnh như dịch sởi, dịch xuất huyết,…Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện nay chúng ta cần mở rộng khái niệm về y tế dự phòng rõ hơn. Y tế dự phòng bên cạnh các bệnh dịch thì tất cả các bệnh khác đều phải dự phòng, dự phòng cả các bệnh không lây nhiễm. Nếu làm được như vậy, vừa hiệu quả vừa không để lại di chứng hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Tôi nghĩ rằng, công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác phòng dịch bệnh cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng cần tăng cường giám sát dịch tễ; đồng thời, huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!