ĐBQH HỒ THỊ MINH - QUẢNG TRỊ: CẦN LÀM RÕ THÊM QUY TRÌNH ĐIỀU TRA VỤ ÁN BUÔN LẬU GỖ TRẮC TẠI QUẢNG TRỊ VÀ ĐÀ NẴNG

03/08/2018

Ngày 02/7/2018. Bộ Công an đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về vụ án buôn lậu gỗ trắc tại Quảng Trị và Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn như sau:

1. Qua nghiên cứu, thẩm tra lại tài liệu, hồ sơ vụ án; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận thấy: “Việc xử lý vật chứng, bán đấu giá lô gỗ trong giai đoạn điều tra là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.” Đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng đã chỉ đạo điều tra, xác minh xử lý trách nhiệm của Cơ quan điều tra như thế nào?

2. Việc xuất nhập khẩu gỗ theo quy định tại văn bản số 1328/XNK-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Công thương, về việc xuất khẩu gỗ trắc có nguồn gốc nhập khẩu từ Lào có hướng dẫn: “Trường hợp gỗ từ các nước xuất khẩu sang Việt Nam, doanh nghiệp của nước xuất khẩu phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại và thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam do doanh nghiệp nước xuất khẩu chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của Việt Nam.”

Việc thực hiện nhập khẩu lô hàng gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam, Công ty Ngọc Hưng đã thực hiện đầy đủ các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam là khai báo hải quan và nộp thuế. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại đưa ra các chứng cứ thu thập được trên lãnh thổ Lào như: lời khai, chữ ký và con dấu của đối tác Lào; nguồn gốc xuất xứ của lô gỗ là trên lãnh thổ Lào; từ những chứng cứ này để buộc tội buôn lậu có đủ căn cứ để buộc tội buôn lậu không?
 
Đối chiều với Văn bản số 11383/BTC-TCHQ ngày 25/7/2008 của Bộ Tài chính, khi làm thủ tục nhập khẩu gỗ Lào vào Việt Nam, cơ quan Hải quan không yêu cầu phải xuất trình hồ sơ xuất khẩu lô hàng của nước xuất khẩu. Xin Bộ trưởng cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã sang Lào để tiến hành điều tra, đưa ra các chứng cứ nêu trên để hfinh sự hóa sự việc, buộc tội Doanh nghiệp có đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và quy định của pháp luật hiện hành không?

3. Vụ án đã kéo dài từ năm 2011 đến nay là vi phạm về thời gian giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng cần phải làm gì để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, không để oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm?

Bộ Công an đã có văn bản trả lời chất vấn như sau:
 
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương 

1. Ngày 11/12/2013, VKSNDTC có Quyết định số 01/QDD-VKSTC-V! về việc trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra bổ sung 05 nội dung, trong đó có nội dung: “Xử lý vật chứng gồm 614,672m3 gỗ của công ty TNHN MTV Ngọc Hưng bảo đảm có căn cứ quy định tại Điều 76, Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 41, Bộ luật hình sự và đáp ứng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành Tư pháp TW tại cuộc họp ngày 24/9/2013; đồng thời, có biện pháp xử lý đối với tài sản đã thu giữ hoặc niêm phong trong quá trình điều tra vụ án.”

Thực hiện điều tra bổ sung đối với những nội dung theo yêu cầu của VKSNDTC, căn cứ Điểm d, Khoản 2, Điều 75 và Khoản 1, ĐIều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định số 21/C44-P4 ngày 31/7/2013 về việc xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá. Số tiền thu được từ vật chứng vụ án, Cơ quan điều tra đã chuyển Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng theo quy định tại Khoản 1, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.
 
Đối với việc xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, ngày 16/4/2018, Vụ 1, VKSNDTC đã có văn bản chuyển Cơ quan điều tra - VKSNDTC để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ có hay không sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Công an đã yêu cầu các cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ các yêu cầu điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, khi có kết luận điều tra nếu có sai phạm, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm cá nhân có liên quan.

2. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã thu nhập được, đến nay, có đủ căn cứ xác định Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng) đã không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể là:

- Công ty Ngọc Hưng đã gian dối khi sử dụng 03 giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Cơ quan kiểm dịch thực vật cửa khẩu Densavanh, Lào cấp cho Công ty 307 và Công ty Tâm Tâm (không có gỗ Trắc và Giáng hương) xuất trình cho Trạm kiểm dịch thực vật Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lô hàng gỗ Trắc của Công ty Ngọc Hưng thông quan nhập khẩu vào VN. Theo quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính, nếu không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì lô hàng sẽ không được thông quan vào VN.

- Công ty Ngọc Hưng đã làm giả hợp đồng mua bán của Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào để hợp thức hồ sơ Hải quan, nhập lậu lô gỗ từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, đã vi phạm khoản 8, Điều 2, Thông tư số 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Công ty Ngọc Hưng đã không khai, khai sai, khai khống so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng… đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, đã vi phạm khoản 1, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ Tài Chính.

Trong quá trình điều tra bổ sung vụ án, Cơ quan điều tra có thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đã thông qua VKSNDTC để ủy thác tư pháp cho VKSNDTC nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tiến hành điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án, tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; Luật tương trợ tư pháp và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Các tài liệu có được từ kết quả tương trợ tư pháp chỉ là một trong các chứng cứ của vụ án.

3. Ngày 06/4/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý hồ sợ vụ án từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan để điều tra theo quy định. Ngày 15/10/2013, Cơ quan điều tra đã ra Kết luận điều tra số 13/KLĐT-C33(P4) chuyển hồ sơ vụ án đến VKSNDTC (Vụ I) đề nghị truy tố các bị can về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, ngày 16/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra bổ sung vụ án (lần thứ 6) và chuyển hồ sơ vụ án đến VKSNDTC. Ngày 14/5/2018, VKSNDTC đã ra Cáo trạng số 66/CT_VKSTC truy tố bị can Trương Huy Liệu và đồng phạm theo tội danh đã khởi tố và chuyển hồ sơ vụ án cho TADN Tp. Đà Nẵng để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Để vụ án giải quyết chưa dứt điểm, kéo dài, nguyên nhân chính là do: Đây là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết, nội dung mà quan điểm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất. Theo yêu cầu của TAND Tp. Đà Nẵng và VKSNDTC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phải điều tra bổ sung rất nhiều nội dung có liên quan đến vụ án sau 06 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó, có nhiều nội dung đã kết luận rõ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không thể thực hiện được đúng thời gian theo quy định của pháp luật, như: thủ tục tương trợ tư pháp hình sự với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào… Tuy nhiên, để vụ án kéo dài cho đến nay là vi phạm về thời hạn giải quyết theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đso có phần trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ Công an đang chỉ đạo xem xét quá trình điều tra vụ án để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân có sai phạm theo đúng pháp luật./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội