DỰ ÁN THÉP CÀ NÁ TẠI NINH THUẬN: CẦN PHẢI XEM XÉT, ĐÁNH GIÁ LẠI MỘT CÁCH TOÀN DIỆN

02/08/2018

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã nêu vấn đề chất vấn về dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận.

Dự án thép Cà Ná của tập đoàn Hoa Sen đã được đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Dự án có công suất 16 triệu tấn một năm, với vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 10 tỷ USD, tương đương hơn 230.000 tỷ đồng. Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép, được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa. Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cần phải xem xét, đánh giá lại toàn diện dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận để tránh hệ lụy.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chất vấn tại Hội trường 

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương. Vậy đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Dự án thép Cà Ná tại Bình Thuận là dự án có quy mô lớn, được đại biểu và nhân dân cả nước quan tâm. Tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, với đất nước, với Tổ Quốc. Vì vậy, tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương là nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng có dám thực hiện cam kết lạc quan trước Quốc hội để xin hứa rằng sẽ xin từ chức trước Quốc hội không?

Mô hình 3D của dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận

Phóng viên: Sau câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã trả lời trực tiếp tại hội trường đồng thời có văn bản trả lời về vấn đề này. Vậy, hiện nay tình trạng dự án thép Cà Ná đã có những chuyển biến như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Trên cơ sở chất vấn của tôi, Thủ tướng Chính phủ sau khi xem xét hồ sơ, tính khả thi, hiệu quả, những vấn đề có thể phát sinh xung quanh nhà máy thép Cà Ná đã quyết định tạm dừng việc cấp phép của dự án thép Cà Ná. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cũng như các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ để xem xét làm lại tất cả các khâu của dự án trình thủ tướng Chính phủ.

Tôi hy vọng rằng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương để xem xét một cách nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện và khách quan. Từ đó, đánh giá những mặt được, mặt chưa được có thể nảy sinh đặc biệt là những hệ lụy lâu dài cho đất nước, cho vùng biển để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc có thể không xem xét dự án thép Cà Ná. Hiện nay, chúng ta đã có một dự án thép rất lớn và đã từng xảy ra một sự cố môi trường nghiêm trọng đó là thép Formosa Hà Tĩnh. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hết sức cân nhắc đối với các dự án thép mới ở Việt Nam.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre trả lời phỏng vấn 

Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy cần phải có những giải pháp căn cơ như thế nào đối với dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận nếu tiếp tục triển khai nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc về mặt môi trường?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi cho rằng, giải pháp ở đây cần phải đánh giá hết sức khách quan và toàn diện về hiệu quả của dự án thép Cà Ná cũng như những vấn đề có thể phát sinh. Hiện nay, xung quanh khu vực này, có các nhà máy như nhiệt điện Vĩnh Tân mà theo như đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa đăng đàn trước Quốc hội cũng đã yêu cầu đưa vào việc giám sát đặc biệt. Vì vậy, cần đánh giá hết sức cụ thể tác động về môi trường để bảo vệ môi trường biển, hải dương học nơi đây.

Vấn đề thứ hai, chúng ta đang có một số dự án thép như thép Thái Nguyên, thép Thạch Khê, Thép Fomosa,… Bởi vậy, nếu chúng ta tiếp tục các dự án thép thì liệu chăng có mang lại hiệu quả hay không hay là dẫn tới chúng ta thiếu tầm nhìn về quy hoạch sản xuất thép và thị trường thép sẽ như thế nào? Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nếu sản xuất các loại thép đặc biệt gọi là thép độc đáo thì câu chuyện hoàn toàn khác với việc sản xuất các loại thép xây dựng thông thường. Vì vậy, cũng cần tính toán đến vấn đề lao động và việc làm.

Tất cả các vấn đề cần phải đặt lên bàn để xem xét về hiệu quả của dự án. Nếu chúng ta bỏ qua những vấn đề này thì hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội đối với con người là vô cùng to lớn và khó khắc phục. Trong hồ sơ dự án thép Cà Ná liệu đã bảo đảm được đầy đủ các yếu tố cần thiết hay chưa và liệu đã khẳng định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư đối với Chính phủ đối với Tổ Quốc với nhân dân. Do đó, đối với những dự án có tầm cỡ lớn, có thể nảy sinh những hệ lụy thì cần phải đánh giá toàn diện, đánh giá cả về khoa học, kinh tế xã hội và môi trường.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để xảy ra những tồn tại trong dự án thép Cà Ná tại Bình Thuận như vừa qua thì trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương là có một phần thôi, còn trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư. Bởi vì, nhà đầu tư họ có trách nhiệm phải xây dựng hồ sơ dự án trình, còn trách nhiệm của Bộ Công thương là cơ quan chủ quản phải hướng dẫn, đôn đốc và phải là cơ quan đầu mối để giúp việc thẩm định cho Chính phủ. Trong trường hợp này, Bộ Công thương cần đưa dự án cho những nhà khoa học, hội đồng khoa học, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và các Bộ, ngành khác để đánh giá toàn bộ, toàn diện về dự án. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương khi đó có lẽ đã tin tưởng vào nhà đầu tư dẫn đến sơ hở. Quản lý nhà nước đòi hỏi phải sát sao phải quyết liệt và đặc biệt là không nể nang. Do đó, không thể không nói đến trách nhiệm của Bộ trưởng nhưng cũng phải rất rõ trách nhiệm của các chủ thể khác khi tham gia vào dự án này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh