Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
Nội dung chất vấn như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận trước Quốc hội rằng ngành giáo dục hiện nay còn rất nhiều yếu kém, đề nghị Bộ trưởng cho biết những yếu kém đó là yếu kém gì? Theo Báo cáo số 370/BC-BGDĐT ngày 31/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDDT) vẫn còn né tránh những hạn chế, yếu kém, nhất là việc hoạch định chiến lược giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Nghị quyết đề ra đã ra đời cách đây hơn 5 năm mà ngành giáo dục vẫn chưa có hướng đi một cách căn cơ như nhiều Đại biểu đã phát biểu. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn bản để khắc phục những yếu kém mà Bộ trưởng đã nhận, đồng nghĩa với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI?
Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
1. Trong thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành Giáo dục đã tập trung triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện, đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng có một số tồn tại hạn chế cần khắc phục như: Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phwong còn chưa phù hợp, chưa quan tâm đến yếu tố đảm bảo chất lượng một số địa phương còn chưa phù hợp, chưa quan tâm đến yếu tố đảm bảo chất lượng khi dồn dịch các trường; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non; Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; Cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học nhiều nơi còn thiếu hoặc bị xuống cấp; Vẫn còn tình trạng “lạm thu” trong một số nhà trường; Còn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường xảy ra ở một số cơ sở giáo dục; Bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để; Việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường, số lượng cơ sở đào tạo được tự chủ toàn diện chưa cao; sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.
2. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ GDDT đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
a) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung hoàn thiện 02 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học để khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các “nút thắt” trong thực hiện đổi mới GDĐT.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; đề xuất giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ-TW thời gian tới.
b) Hoàn thiện Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương Đảng; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư.
c) Ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục làm cơ sở để các địa phương thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
d) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
đ) Chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đảm bảo cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục mầm non, phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
e) Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu. Tăng cường thông tin cho cha mẹ, ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên về các khoản thu theo quy định để các bậc phụ huynh hiểu rõ, thực hiện theo đúng quy định và không bị “lợi dụng”. Bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu chi theo đúng quy định.
Trình Chính phủ ban hành Nghị quyết huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục nhằm khuyến khích các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho giáo dục bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa.
g) Chỉ đạo các địa phương tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện nghiêm túc quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên giai đoạn 2015 - 2020; hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Hoàn thiện Đề án xây dựng văn háo ứng xử trong trường học, trình Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
h) Đẩy mạnh hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tập trung vào kiểm định chương trình đào tạo. Tăng cường tự chủ đại học, đổi mới quản trị nhà trường, quy định về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý vi phạm./.