QUẢN LÝ CHỒNG CHÉO VỀ PHÂN BÓN: CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC SAU CHẤT VẤN

01/08/2018

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã nêu vấn đề chất vấn về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón đồng thời đề xuất cần giao việc quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tháng 9 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Theo quy định tại Nghị định số 108, Chính phủ chỉ giao cho một đầu mối quản lý chính về sản xuất phân bón là Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chính phủ đã có những nỗ lực kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý phân bón, giúp cho công tác quản lý phân bón bước đầu có những chuyển biến tích cực trên thực tế.

Phóng viên phỏng vấn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre 

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương. Đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi chất vấn về việc cần chuyển việc quản lý phân bón sang bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Tại thời điểm lúc đó, Bộ Công thương là quản lý phân vô cơ còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân hữu cơ và quan điểm của tôi là phải chuyển về một đầu mối quản lý. Bởi vì, tại Điều 70 của Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa quy định chức năng quản lý phân bón thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứ không phải thuộc Bộ Công thương.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tính đến thời diểm hiện tại thì vấn đề chồng chéo trong quản lý phân bón giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như thực tiễn vấn đề quản lý phân bón đã được khắc phục như thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Sau khi có ý kiến của Bộ trưởng tôi cũng đã trực tiếp trao đổi với Đồng chí Thủ tướng Chính phủ về việc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và tôi rất băn khoăn là không biết tại sao thì trước đó lại giao cho Bộ Công thương xây dựng Nghị định về quản lý phân bón. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định ban hành Nghị định số 108 năm 2017, trong đó có quy định chuyển toàn bộ việc quản lý phân bón về 1 đầu mối cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có sự phối hợp rất tốt với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong quản lý phân bón. Tại kỳ họp thứ 3, tôi tiếp tục chất vấn Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tôi đã theo đuổi vấn đề này đến cùng, với nội dung tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng phân bón và giảm tỷ lệ phân vô cơ trong hệ thống phân bón Việt Nam. Đến kỳ họp thứ 4 tôi lại tiếp tục nêu vấn đề về quản lý phân bón, lúc đó phân bón đã lên đến 14.000 loại. Hiện nay, tôi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 1 hoạch định quản lý về phân bón và tăng cường về tỷ lệ phân hữu cơ và đặc biệt là tăng cường các nhà máy doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh.

Tôi cho rằng sau chất vấn, việc quản lý phân bón bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Người nông dân sử dụng phân bón trên đồng ruộng 

Phóng viên: Để xảy ra tình trạng chồng chéo trong quản lý phân bón thì trách nhiệm của các Bộ liên quan được nhìn nhận như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi nghĩ rằng, sau chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có sự phối hợp rất tốt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khắc phục được những tồn tại trong quản lý phân bón và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, đã định chuẩn được trên 6.000 loại phân bón và tôi đánh giá rất cao chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục Bảo vệ thực vật. Các đơn vị này, đã thực hiện được một ý nguyện của tôi là làm sao phải định chuẩn và đồng thời rút số lượng phân bón xuống để cho người nông dân dễ bề lựa chọn. Còn ở giai đoạn trước thì Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã hình dung ra vấn đề, Bộ trưởng đã có sự trao đổi, phối hợp rất tốt với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ở đây, câu chuyện quản lý có sự buông lỏng chứ không có tiêu cực.  

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lê Anh