Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
Chất lượng đào tạo đại học chưa cao, hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế
Đưa ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa - Nam Định chỉ ra rằng, Báo cáo số 277 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai có nêu: Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là 7 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Vui mừng vì sự đánh giá này của Ngân hàng thế giới, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn vì trong báo cáo của Bộ cũng đã thừa nhận chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt là sau đại học; hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng còn hạn chế; Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nền giáo dục đại học của nước ta thực sự đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực châu Á? Giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng của đại học Việt Nam?
Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm
Trả lời mối quan tâm của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt; tuy nhiên về cơ bản chất lượng giáo dục đại học của nước ta vẫn còn thấp và không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trong đó có những nguyên nhân từ phía ngành giáo dục. Cụ thể: chương trình đào tạo chưa thực sự sát với thị trường, do thầy cô xây dựng chương trình dựa trên hiểu biết và dựa trên tính toán chứ chưa phải nghiên cứu xây dựng chương trình theo đúng yêu cầu, căn cứ từ thực tiễn và điều kiện đảm bảo chất lượng; giáo viên, cơ sở chật vất, tài chính còn tồn tại nhiều vấn đề, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên của nước ta rất thấp, chưa được 23% trên toàn ngành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, phần lớn trường đại học chưa đủ điều kiện cơ bản, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tài chính của các trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn, học phí một năm đối với sinh viên Việt Nam bình quân có 630 đôla, trong đó tương tự ngành như vậy ở các nước như Mỹ là 19.000 đôla, New Zeland và Úc là 17.000 đôla, ngay cả Trung Quốc cũng 3.500 đôla.
Theo bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với một chi phí thấp thì giáo dục đại học rất khó mong đợi chất lượng cao. Tới đây Bộ sẽ tác động không để dàn trải mà phân loại những trường chất lượng cao, những trường chất lượng vừa phải, thậm chí có thể xem xét sáp nhập, giải thể; nâng cao chất lượng liên quan đến tự chủ, giải phóng điểm nghẽn làm các trường đại học không phát huy được sự chủ động, sáng tạo, phát huy được nội lực. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tới đây Quốc hội cho ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó tâm điểm là thực hiện tự chủ của trường đại học.
Thừa nhận giáo dục đại học của Việt Nam theo mặt bằng thế giới còn thấp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong xếp hạng Rankings, Việt Nam chưa có các trường đại học vào các bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây có 5 trường được vào nhóm 400 của xếp hạng châu Á là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa, Đại học Cần Thơ và Đại học Huế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, chúng ta bắt đầu có 2 trường đại học quốc gia lọt vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới, trong đó có trường tiếp cận vị trí 700-800 là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm 87/194 nước, lãnh thổ có trường đại học lọt vào trong nhóm này. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, tới đây một mặt Bộ tăng cường kiểm định để nâng cao chất lượng, mặc khác đẩy mạnh thực hiện xếp hạng các trường với nhau, với quốc tế để có lộ trình phù hợp; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở những trường xuất sắc, ngành xuất sắc theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực; các ngành theo định hướng ứng dụng, ngành có chất lượng cao sẽ phục vụ theo nhu cầu thị trường.
Sẽ dành nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động nghiên cứa khoa học
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến - Hà Nam chỉ ra rằng, đã có khẩu hiệu “nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học” và Luật Khoa học, công nghệ năm 2013 khẳng định ưu đãi cho khoa học, công nghệ ở trường đại học, sắp tới có trường đại học định hướng nghiên cứu 1 giảng viên chính là 900 tiết, gồm 500 tiết giảng dạy, 400 tiết nghiên cứu khoa học; tuy nhiên thực tế công tác nghiên cứu khoa học ở trường đại học còn rất kém. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng nghiên cứu khoa học trong trường đại học gắn với phối hợp các Viện khoa học như thế nào để tránh lãng phí và đẩy mạnh được chất lượng đào tạo đại học?
Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường đại học, vì có nghiên cứu khoa học tốt mới đào tạo tốt. Đây là sự khác biệt cơ bản của trường đại học với các trường khác.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, vừa qua Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các trường dành nhiều thời gian và chi phí cho hoạt động nghiên cứa khoa học thông qua các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, các chương trình nhóm nghiên cứu. Đến nay các trường bắt đầu có hoạt động tốt thể hiện trong chỉ số về xếp hạng và trong những chương trình nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ khác để đẩy mạnh đề án Chính phủ ban hành về đổi mới sáng tạo trong các trường đại học và tăng cường gắn với viện, trường, doanh nghiệp thành một bộ phận quan trọng./.