BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: THỪA NHẬN VỀ BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DẪN ĐẾN Ô NHIỄM LÀNG NGHỀ

31/07/2018

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XVI, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng các cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu; các làng nghề sản xuất gây ô nhiễm và sự cố về môi trường ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Khắc phục tình trạng cơ sở sản xuất dùng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng - Phú Thọ nêu rõ, hiện nay có nhiều dự án đầu tư và các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm và sự cố môi trường ở nhiều địa phương. Đại biểu nhấn mạnh, cử tri rất lo ngại và bức xúc trước tình trạng nêu trên, đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình, nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Cao Đình Thưởng chỉ ra một thực tế, những doanh nghiệp ở địa phương khi sản xuất có xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị chính quyền ra quyết định ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên để dừng sản xuất thì phải có một số biện pháp mạnh, trong đó có dừng cấp điện, nhưng việc làm này lại vi phạm Luật Điện lực. Do đó trên thực tế quyết định của chính quyền địa phương không có hiệu lực. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc?

Trả lời vấn đề mà đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ ra rằng, hiện nay vẫn còn rất phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp hoạt yếu kém từ công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường, năng lực đánh giá công nghệ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng này là do: chưa làm tốt khâu phân loại, lựa chọn công nghệ và năng lực nhà đầu tư; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa làm tốt. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với việc nắm bắt rõ tình trạng này, Bộ đang có một lộ trình để các doanh nghiệp có kế hoạch kiểm tra được mình có bao nhiều lỗi, thời gian bao lâu thì khắc phục; đến thời điểm Bộ bắt buộc đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch đó mà không đáp ứng thì cần phải thực hiện các biện pháp mạnh, các chế tài mạnh, thậm chí là đóng cửa vĩnh viễn chứ không phải là tạm dừng đóng cửa.

Về vấn đề xả thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, trên thực tế nếu cơ quan nhà nước quyết định đình chỉ một công đoạn sản xuất nào đó vì vi phạm xả thải thì công dân, doanh nghiệp đó đương nhiên phải chấp hành. Nếu doanh nghiệp không chấp hành thì sẽ bị áp dụng các biện pháp khác như tịch thu phương tiện, tháo bộ phận máy móc đó đưa về nếu cần thiết. Còn các biện pháp như cắt nước, cắt điện, đó là các biện pháp bổ sung, không khuyến khích áp dụng. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khi doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã có chế tài trong xử phạt hành chính, hạn chế tối đã việc áp dụng một số biện pháp không cần thiết.

Giải pháp gì giúp các làng nghề truyền thống phát huy lợi thế những vẫn bảo vệ môi trường?

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - Tiền Giang cho biết, chủ trương hiện nay của các tỉnh là muốn khôi phục lại các làng nghề truyền thống của địa phương, tuy nhiên trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các làng nghề truyền thống này có chiều hướng ô nhiễm ngày càng tăng do chưa có hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường và các nguyên nhân chủ quan khách quan khác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để thực hiện tốt các chủ trương trên, giúp cho các làng nghề từng bước phát huy lợi thế của mình?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề đại biểu nêu rất cần được quan tâm. Theo nghị định của Chính phủ quy định thì trách nhiệm quy hoạch xác định để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện. Còn làng nghề như làng nghề sản xuất hạt nhựa, giấy, luyện kim, sản xuất chì thì không phải làng nghề truyền thống mà cần phải kiểm soát quản lý như bất cứ doanh nghiệp nào, phải đưa vào cụm công nghiệp.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay chúng ta đang có bất cập về công tác quản lý, quy định của luật chưa thật sự có tính khả thi cao nên trong thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, rõ ràng công tác quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra có vấn đề nên mới xảy ra tình trạng lợi dụng để lấn lướt và biến các làng nghề truyền thống thành những nơi sản xuất gây ô nhiễm.

Do việc sản xuất này ngày càng gây ô nhiễm ở mức độ cao nên các chủ trương, chính sách, sắp tới Bộ sẽ thắt chặt việc kiểm soát các loại hình ô nhiễm công nghiệp trong làng nghề; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác quy hoạch hay công tác thanh tra kiểm tra. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân một số tỉnh đã có nhiều kinh nghiệm quản lý các làng nghề cần quan tâm các vấn đề sau: phải tính toán, đối với các làng nghề truyền thống chỉ nên chọn một nghề, thu gom xử lý tập trung và cung cấp, hướng dẫn cho họ công nghệ, kinh phí để xử lý nước xả thải; tư vấn cho các làng nghề việc sử dụng nguyên liệu để có thể hạn chế nguồn rác thải, khí thải; thu gom, vận chuyển đưa đến xử lý tập trung các chất thải rắn./.

 

Hồ Hương