BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ: SIẾT CHẶT CÔNG TÁC ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

19/07/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình rõ về tỷ lệ tiến sĩ trên số lượng người học, đồng thời xử lý bất cập về việc chỉ có 10 trường ngoại ngữ được cấp chứng chỉ theo khung ngoại ngữ mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Cần đánh giá lại tỷ lệ thực chất số tiến sĩ, giáo sư trên số lượng người học

Đặt ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ - An Giang chỉ ra rằng, vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra nhận xét là tỷ lệ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trên số người học hiện nay đang cao. Đại biểu nhận định, thực chất việc tăng cao này là do tăng chỉ tiêu tuyển sinh để thu được nhiều học phí; có nhiều tiến sĩ được ghi danh là giáo viên thỉnh giảng của nhiều cơ sở đào tạo nhưng thực chất là không được mời giảng; nhiều giáo viên cơ hữu của cơ sở đó lại cùng một lúc hướng dẫn quá nhiều học viên trên mức quy định Bộ cho phép. Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá lại tỷ lệ thực chất số tiến sĩ, giáo sư trên số lượng người học là bao nhiêu? Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ chất vấn Bộ trưởng

Trả lời mối quan tâm của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, tỷ lệ giáo viên trên học sinh thông thường ở các nước như Nhật Bản, Singapo, Malaysia dao động ở mức 10, 12,5, 13 học sinh/giáo viên, giảng viên. Còn ở Việt Nam hiện nay bình quân là 24 học sinh/ thầy, cô.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, tỷ lệ trên chứng tỏ một giáo viên hướng dẫn quá đông học viên; nhiều giáo viên cùng một lúc đứng tên mấy trường đào tạo. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, Bộ đã dùng phần mềm để công khai danh tính thầy cô, tránh trường hợp 1 thầy cô dạy nhiều lớp; công khai và giám sát qua phần mềm công nghệ khắc phục sự không trung thực trong vấn đề khai tăng quy mô; siết chặt về điều kiện đảm bảo chất lượng để giảm chỉ tiêu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ ra rằng, ngoài việc dung phần mềm giám sát, Bộ đã tiến hành việc phân loại các trường; rà soát về quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sư phạm. Trong quy hoạch, Bộ xây dựng các chuẩn trường và bắt đầu phân loại được những trường không đảm bảo chất lượng, chất lượng kém để trình Thủ tướng Chính phủ có lộ trình để nâng cao chất lượng, nếu không nâng cao được thì phải có phương án sáp nhập, chia tách, siết chặt chất lượng.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã ban hành một số thông tư, trong đó có thông tư về siết chặt đào tạo tiến sỹ; nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ thêm một năm học chuyên và nghiên cứu sinh phải có bài đăng quốc tế…Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết,  ngoài các biện pháp trên, Bộ cũng yêu cầu rà soát các chương trình đào phải gắn với thị trường; phát huy tự chủ đại học.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực quản trị nhà trường của các trường, trong đó chú trọng về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, về chương trình và phương thức tổ chức quản lý; tăng cường vai trò của Hội đồng trường cho thực chất.

Chứng nhận chuẩn ngoại ngữ mới chỉ do 10 cơ sở giáo dục cấp có phù hợp không?

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn - Nam Định chỉ ra rằng, để đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, để đủ tiêu chuẩn thi chuyển ngạch công chức, thi cao học, nhiều công chức và giáo viên đã phải học lại tiếng anh theo khung trình độ mới tại các trung tâm ngoại ngữ. Nhưng hiện nay Bộ Giáo dục và đào tạo quy định chỉ có 10 cơ sở giáo dục trên toàn quốc được cấp chứng chỉ theo khung ngoại ngữ mới. Vì vậy, nhiều người đã phải đi xa, học tới học lại, thi lại ở 10 cơ sở giáo dục theo quy định nói trên, gây phiền hà, mất thời gian, công sức, tiền bạc của nhiều công chức, viên chức và của nhiều giáo viên muốn chuẩn đạt chuẩn ngoại ngữ theo khung mới. Đại biểu đặt ta vấn đề, các trung tâm ngoại ngữ đều phải xin phép, chịu sự quản lý và thực hiện chương trình đào tạo do Bộ ban hành nhưng chứng nhận trình độ ngoại ngữ theo chuẩn mới lại chỉ thuộc về 10 cơ sở giáo dục như vậy có phù hợp không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này và cách xử lý ?

Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn đưa ra vấn đề chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đại biểu đã phản ánh đúng thực tế về việc đào tạo tiếng anh theo khung ngoại ngữ mới của giáo viên, công chức hiện nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, theo quy định của Bộ có 10 cơ sở được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Cũng theo Bộ trưởng, cách đây 5, 7 năm Bộ Giáo dục và đào tạo đã nghiên cứu khung trình độ về ngoại ngữ 6 bậc Châu Âu tham chiếu với các chuẩn về ngoại ngữ, từng bước không công nhận A, B, C, D và A1, B1, B2, C1, C2 căn cứ vào các trình độ của các đối tượng chuyển sang công nhận theo quy định về trình độ ngoại ngữ theo khung 6 bậc của Châu Âu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận trách nhiệm trong việc chậm tổ chức triển khai thực hiện. Tới đây, Bộ sẽ ban hành Thông tư để khắc phục sớm bất cập trong việc các trung tâm ngoại ngữ được đào tạo nhưng không được công nhận./.

Hồ Hương