ĐBQH Đặng Công Lý-Bình Định: Không nên mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức

23/06/2015

Cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIII, đại biểu Đặng Công Lý cho rằng, không nên mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với những khiếu kiện mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức.

Ảnh: Văn Bình

Đại biểu cho biết, khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân được quy định tại Khoản 1, Điều 32 của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của luật; Quyết định, hành vi của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức hoặc hệ thống cơ quan, tổ chức

Tuy nhiên, có một số quan điểm đề nghị mở rộng hơn nữa thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức hoặc hệ thống cơ quan, tổ chức. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, nên quy định trong luật là Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức, kể cả quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Như vậy, sẽ đề cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc quản lý chỉ đạo điều hành hoạt động nhiệm vụ công vụ.

Đại biểu Đặng Công Lý cho rằng, những quyết định mang tính nội bộ của cơ quan nhà nước đều đã có cơ chế xử lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Do vậy, dự thảo luật không quy định những quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là nhằm đảm bảo cho việc khởi kiện không tràn lan.

Còn đối với các quyết định kỷ luật công chức cũng là quyết định hành chính mang tính nội bộ như quyết định khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Nhưng quyết định buộc thôi việc là hình thức kỷ luật cao nhất có tính buộc người ta thực hiện ngay và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bản thân nên trường hợp này Luật tố tụng hành chính đã quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án quy định tại Khoản 3, Điều 28 Luật tố tụng hành chính hiện hành và tại Khoản 3, Điều 32 Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Do vậy, việc quy định như trên của dự thảo là phù hợp, không nên mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với những khiếu kiện mang tính nội bộ cơ quan, tổ chức. Vì như vậy hoạt động tư pháp sẽ không can thiệp vào quá sâu vào các hoạt động quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác, các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Từ những phân tích trên, đại biểu nhất trí với dự thảo những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo Điều 32 của dự thảo.

Nguyễn Phương lược ghi