Đại biểu Lê Minh Hiền cho rằng, về thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong lĩnh vực đất đai giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết là hợp lý.
Đại biểu phân tích, theo Luật đất đai năm 2013, đăng ký đất đai là thủ tục bắt buộc. Người sử dụng đất phải đăng ký quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai.
Vướng mắc thực tiễn hiện nay trong quá trình thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2010 là các quyết định hành chính, hoặc hành vi của văn phòng đăng ký đất đai trong việc thực hiện đăng ký đất đai. Đại biểu đặt câu hỏi, theo quy định của Luật đất đai cấp giấy chứng nhận lần đầu, đăng ký biến động đất đai có thuộc thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính hay không? Thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp nào? Cấp tỉnh, thành phố hay cấp huyện.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 3 Luật tố tụng hành chính thì quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan tổ chức đó.
Quy định thẩm quyền của tòa án cấp huyện, cấp tỉnh tại Điều 29 và Điều 30, Luật tố tụng hành chính chỉ quy định khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, Tòa án đã không thụ lý khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của tổ chức sự nghiệp công như Văn phòng đăng ký đất đai. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) lần này cần quy định mở rộng đối tượng khởi kiện, trong đó bao gồm cả quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công.
Đại biểu Lê Minh Hiền cũng đề nghị, giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khắc phục những tồn tại, những bất cập về thẩm quyền giải quyết các vụ án hành.
Thực tiễn thi hành Luật tố tụng hành chính 2010 người dân còn chịu nhiều khó khăn trong hành chính, khiếu kiện đối với các vụ án hành chính, đặc biệt là đất đai. Kiểm sát viên, Thẩm phán khi xét xử sơ thẩm chịu nhiều áp lực ở địa phương không nêu được quan điểm áp dụng pháp luật đúng đắn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì các quyết định quy hoạch, thu hồi đất, triển khai dự án thường được thông qua tập thể của cấp ủy Ủy ban nhân dân địa phương.
Đại biểu cho rằng, Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định theo hướng giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết hoàn toàn là phù hợp và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 2013.