Thông cáo phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày 16 đến 26-7-2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, mặc dù phải xem xét, quyết định một khối lượng công việc khá lớn, nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra, bảo đảm đúng thời gian đã định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, hoan nghênh sự đóng góp có hiệu quả của các ngành, các cấp, các cơ quan phục vụ và nhân dân cả nước trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, đây là kỳ họp cuối năm với hai nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác xây dựng pháp luật. Dự kiến, Quốc hội sẽ tập trung xem xét các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan hữu quan của Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2003; phương hướng, nhiệm vụ và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2004; báo cáo công tác của một số cơ quan Nhà nước; các báo cáo chuyên đề về các vấn đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Về công tác xây dựng pháp luật, dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án Luật: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã; Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủy sản và Luật Xây dựng. Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật: Luật Thanh tra, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị để kỳ họp thứ 4 của Quốc hội có thể được khai mạc vào hạ tuần tháng 10-2003.

2- Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 9 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Đây là các dự án luật đã trình xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Sau khi nghe các báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về từng dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau và yêu cầu các cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh văn bản, làm cơ sở cho các bước chuẩn bị tiếp theo trước khi trình Quốc hội. Đây là 9 dự án luật đáp ứng các yêu cầu bức xúc trong hoạt động thực tiễn của Hội đồng nhân dân các cấp, các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã; các hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thủy sản, tố tụng hình sự cũng như việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đất đai, về công tác thi đua, khen thưởng.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm xây dựng và hoàn thiện việc phân cấp, tăng thẩm quyền cho chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng và hiệu quả của dân chủ đại diện, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi khách quan từ thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhà nước nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác, tiến tới một mặt bằng pháp lý và điều kiện kinh doanh cho các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm nâng cao địa vị pháp lý, uy tín và xác định rõ hơn bản chất của loại hình kinh tế hợp tác xã. Trên cơ sở đó, góp phần bảo đảm về kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Đối với Luật Đất đai, việc sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, hệ thống và đồng bộ của pháp luật về đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và người tiến hành tố tụng, phù hợp với nội dung cải cách tư pháp; làm cho trình tự và thủ tục tố tụng rõ ràng, dễ hiểu và có tính khả thi hơn; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong tình hình mới.

Hai đạo luật về các lĩnh vực xây dựng, thủy sản được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm cho các công trình xây dựng có chất lượng, hợp quy hoạch, an toàn, thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển có trật tự và lành mạnh; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, đáp ứng các nhu cầu về đời sống của nhân dân; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động này.

Việc ban hành Luật Thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh công trạng của cá nhân, tập thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta; cổ vũ mọi cá nhân, tập thể thi đua lập công xuất sắc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm góp phần tăng cường bảo vệ sức khỏe con người; phát triển sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn và có chất lượng; kiểm soát được các loại thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

4- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định cho phép một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Quỹ đầu tư phát triển và cho rằng, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, do đó đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định theo các quy định của pháp luật.

5- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, Đề án đã được chuẩn bị công phu, thể hiện được những nội dung cơ bản về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là ba nội dung có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách hiện hành ban hành năm 1993 đã có tác dụng tích cực tiền tệ hóa tiền lương, xóa bỏ chế độ trả lương và phụ cấp phân phối bằng hiện vật; góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, những chính sách này cũng bộc lộ những bất hợp lý cần phải được tiến hành cải cách từng bước nhằm bảo đảm công bằng xã hội, phù hợp thực tiễn Việt Nam; khắc phục bao cấp, giảm bớt bình quân, thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân phối theo lao động, nâng cao hiệu suất công tác và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; giảm bớt bất hợp lý về mức lương giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau; bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi người có công trên cơ sở mức sống trung bình của xã hội, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước; cải thiện từng bước đời sống người nghỉ hưu; cải tiến một bước chính sách bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại một phiên họp sau.
 
  • Quốc hội khóa XV
  • Phiên họp thứ 4
  • Quốc hội khóa XI
  • Phiên họp thứ 21
  • Phiên họp thứ 20
  • Phiên họp thứ 19
  • Phiên họp thứ 18
  • Phiên họp thứ 17
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp thứ 15
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Phiên họp thứ 12
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X