TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG THEO CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA, CHUYỂN ĐỔI SỐ

05/04/2024 11:10

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đóng góp ý kiến về dự án luật này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần công nhận giá trị pháp lý và quy định cụ thể trình tự công chứng điện tử để tạo cơ sở pháp lý phát triển hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Tạo cơ sở pháp lý phát triển hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật, trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đều thể hiện rõ và thống nhất định hướng này; một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng cũng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động công chứng. Để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Thẩm tra dự án luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc xây dựng luật cũng hướng đến bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành 

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của Hồ sơ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), cụ thể là: Rà soát các nội dung của dự thảo Luật để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách đầy đủ, bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung của dự thảo Luật.

Trong đó, cần rà soát các thủ tục hành chính để làm rõ sự cần thiết và tính hợp lý của việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục này theo nguyên tắc không kéo dài thời gian thực hiện so với quy định pháp luật hiện hành, không đặt ra thủ tục mới; Báo cáo tổng kết thi hành Luật cần tiếp tục bổ sung một số thông tin, số liệu chứng minh làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách mới; Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cần làm rõ cơ sở giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng không quá 70 tuổi đối với cả nam và nữ .

Cần công nhận giá trị pháp lý và quy định cụ thể trình tự công chứng điện tử

Quan tâm đến vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý về công chứng điện tử, ThS.Nguyễn Thị Long, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay, công chứng điện tử đang dần phủ sóng ở nhiều quốc gia, có thể kể đến là Hoa Kỳ, Indonesia, Nhật Bản, một số quốc gia tại Liên minh Châu Âu… Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Với kì vọng công chứng điện tử sẽ vừa kế thừa những thành tựu của công chứng điện tử thế giới, vừa linh hoạt nhằm phù hợp với tình hình kinh tế - pháp lý - xã hội trong nước và khắc phục những bất cập của công chứng truyền thống, ThS.Nguyễn Thị Long đề xuất xây dựng khung pháp lý về công chứng điện tử ở Việt Nam với một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần công nhận giá trị pháp lý của công chứng điện tử. Xu hướng mới của thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và thủ tục hành chính là sử dụng văn bản, dữ liệu pháp lý dưới dạng số, mà không còn là văn bản giấy. Cơ sở của việc công nhận giá trị pháp lý của công chứng điện tử ở nước ta là pháp luật hiện hành có quy định và chấp nhận cách thức sử dụng các loại văn bản điện tử. Việc ghi nhận giá trị pháp lý của công chứng điện tử vừa nằm trong xu thế chung của ngành tư pháp quốc tế, vừa tạo cơ hội mở rộng giao thương, kết nối thủ tục hành chính hai chiều giữa trong nước với nước ngoài. Điều này mở ra khả năng công nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng hoặc tài liệu, giấy tờ được chứng thực giữa các quốc gia khác nhau mà không cần thông qua hợp pháp hóa lãnh sự.

Thứ hai, cần quy định cụ thể trình tự công chứng điện tử. Khác với công chứng truyền thống, công chứng điện tử hoạt động trên môi trường số, tất yếu sẽ có những điểm khác biệt. Để đảm bảo yêu cầu của hoạt động công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng, quy trình công chứng điện tử cần được quy định rõ ràng về: Có thể tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng từ xa không; phần mềm nào tạo các cuộc họp giữa Công chứng viên và các bên yêu cầu công chứng; việc xác minh các đối tượng liên quan đến giao dịch tiến hành như thế nào; tạo lập, mã hóa và lưu trữ văn bản công chứng điện tử bằng công cụ nào; có thể áp dụng nhiều hơn một hình thức công chứng cho một giao dịch không, nếu có thì phải tiến hành như thế nào khi mỗi bên yêu cầu một hình thức công chứng khác nhau; thời hạn công chứng là bao lâu?…

Cần công nhận giá trị pháp lý và quy định cụ thể trình tự công chứng điện tử

ThS.Nguyễn Thị Long kiến nghị tham khảo quy trình công chứng được đề cập trong Luật mô hình công chứng điện tử năm 2017 (MENA 2017) của Hoa Kỳ gồm 05 bước: Người yêu cầu gửi yêu cầu, hồ sơ, các thông tin liên quan đến giao dịch cần công chứng và đặt lịch công chứng điện tử; Tiếp nhận công chứng điện tử, phân công Công chứng viên thực hiện công chứng; Tiến hành công chứng điện tử qua các phiên họp. Tại phiên họp, Công chứng viên áp dụng các công cụ xác minh danh tính và sử dụng quyền tiếp cận, khai thác kho dữ liệu nhằm đối chiếu, xác minh tính xác thực của dữ liệu các bên cung cấp với kho dữ liệu gốc; Thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc chấm dứt giao dịch (nếu có); Trả tài liệu đã được công chứng cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ trên hệ thống lưu trữ.

Thứ ba, cần bổ sung tiêu chuẩn Công chứng viên hoạt động công chứng điện tử. Chủ thể trung tâm thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong hoạt động công chứng điện tử là Công chứng viên, nên cần đặt ra vấn đề về năng lực chủ thể của Công chứng viên trong hình thức công chứng mới này. Theo ThS.Nguyễn Thị Long, ngoài 05 điều kiện tại Điều 8 Luật công chứng năm 2014, cần bổ sung quy định liên quan đến năng lực ứng dụng công nghệ, năng lực khai thác và xử lý thông tin từ cơ sở dữ liệu đối với công chứng điện tử. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bổ sung nội dung bồi dưỡng nghề công chứng liên quan đến các kỹ năng ứng dụng phương tiện điện tử, xác minh thông tin giao dịch trực tuyến...

Thứ tư, cần quy định về cơ sở dữ liệu công chứng và hệ thống lưu trữ công chứng thống nhất trên toàn quốc sao cho các cơ sở dữ liệu tương thích, liên thông với nhau. Cách hiểu về cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định hiện hành còn khá hẹp. Theo ThS.Nguyễn Thị Long, cơ sở dữ liệu công chứng là tổng hợp của 03 nhóm cơ sở dữ liệu: Về chủ thể tham gia giao dịch; Về thông tin và tình trạng của tài sản là đối tượng giao dịch; Về lưu trữ tài liệu công chứng cấp quốc gia. Theo đó, thay vì Ủy ban nhân dân mỗi tỉnh tự xây dựng cơ sở dữ liệu riêng và ban hành quy chế sử dụng thì cần giao cho cơ quan nhà nước cấp trung ương tạo lập, quản lý và ban hành quy chế sử dụng thống nhất trên cả nước. Điều này nhằm tạo sự công bằng trong tiếp cận thông tin, cũng như giảm thiểu các chi phí trong quá trình xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu.

Thứ năm, cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của chủ thể tạo lập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu như: Thẩm quyền và thời hạn nhập, khai thác, sửa đổi, bổ sung, truy xuất dữ liệu; trách nhiệm pháp lý phát sinh khi xảy ra vi phạm trong việc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng...; mở rộng đối tượng được phép truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu, không chỉ giữa các cơ quan nhà nước mà cần có các tổ chức hành nghề công chứng.

Minh Hùng