Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6
Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện luật hiện hành cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 6 gồm 10 chương và 136 điều. Trên cơ sở kế thừa kết cấu của luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung 03 nội dung mới gồm trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.
Cho ý kiến về dự luật này tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cần phải có chế tài quy định để kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định, quan trọng là cần có chế độ, chính sách phù hợp, đa dạng để người lao động nhận thấy quyền lợi của họ được bảo đảm. Chính sách hấp dẫn thì người lao động sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội chứ không cần bắt buộc.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động, do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích, chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Khái quát về thực trạng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, sau hơn 25 năm đổi mới, từ thực tiễn đất nước và kinh nghiệm quốc tế, nhận thức về chính sách an sinh xã hội trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rất rõ trong hầu hết các văn kiện. Cho đến nay, về nguyên tắc, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt nam đã thiết kế dựa trên quyền của người lao động trong thị trường và sau khi rời khỏi thị trường lao động.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định, công dân có quyền an sinh xã hội của người dân (điều 34) và vai trò của Chính phủ trong việc tạo cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác (điều 59). Chính sách bảo hiểm xã hội được bổ sung, sửa đổi ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.
Chỉ ra một số vấn đề trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, theo các chuyên gia, các nguyên lý về thiết kế các chính sách bảo hiểm xã hội chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế biến động nhanh và tạo ra sự không bình đẳng giữa các khu vực; chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc có nguy cơ mất cân đối; sự liên kết giữa các hệ thống hưu trí còn lỏng lẻo, thiếu liên kết, không có sự tương trợ lẫn nhau. Cùng với đó, diện bao phủ của hệ thống còn thấp; tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa cao; hệ thống bảo hiểm xã hội mỏng manh, “để lại sau”, bỏ sót nhiều đối tượng; diện bao phủ của hệ thống chưa cao;...
Ảnh minh hoạ
Từ những phân tích trên, để hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong tương lai, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tiếp tục xem xét hoàn thiện để tạo ra những cú huých lớn để tăng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện và đạt được các mục tiêu về an ninh thu nhập tối thiểu cho người già. Hơn nữa, mặc dù thiết kế theo nguyên tắc đa tầng, song nếu không không tích hợp, kết nối bền vững, khả năng bỏ sót về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như bảo đảm thu nhập cho nhóm đối tượng phi chính thức và nông dân vẫn còn rất lớn.
Cùng với đó, trong thời gian tới, cần thiết phải tập trung nỗ lực để mở rộng sự tham gia của người lao động vào bảo hiểm xã hội có đóng góp, đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng có tác động lớn về mặt tài chính quĩ, do vậy, cần hoàn thiện nguyên tắc thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội có đóng góp cũng như tăng cường hiệu lực của sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, mở rộng độ bao phủ của lao động tham gia gắn với sự phát triển của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động chính thức.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động phi chính thức; tăng cường khả năng tiếp cận của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; xây dựng/bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn/linh hoạt đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài ra, thực hiện theo một số ngành nghề đặc thù, mục tiêu là để những người thu nhập cao tự nguyện mức đóng để hưởng chế độ hưu trí tăng thêm. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm tính cân bằng của hệ thống và hạn chế các bình đẳng xã hội./.